Nhọc nhằn đồng thuận xã hội

(PLVN) - Hôm 6/5, tại trụ sở Ban Tiếp công dân Trung ương, đích thân Tổng Thanh tra Chính phủ (TTCP) Lê Minh Khái chủ trì tiếp công dân để xem xét về một số vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp thuộc địa bàn TP Hà Nội. 
Hình minh họa
Hình minh họa

Trong đó có việc khiếu nại, tố cáo của 3 nhóm công dân liên quan đến Dự án xây dựng (DAXD) đường Vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục liên quan đến đơn giá bồi thường, bản đồ quy hoạch...

DAXD đường vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu – Voi Phục được xem là tuyến đường “đắt nhất hành tinh” với tổng mức đầu tư 7.800 tỷ đồng cho hơn 2,2 km. Với Hà Nội, có vẻ dự án sau bao giờ cũng lập “kỷ lục hành tinh” mới. Bởi đền bù, riêng dự án đang nói chi phí này chiếm gần 75%. Để làm được tuyến đường này, sẽ có khoảng 2.328 hộ dân phải di dời.

Dường như rút ra bài học từ thời làm đường Ngọc Khánh – đường 32 của thế kỷ trước và nhiều vụ việc tương tự, Hà Nội đã công khai, minh bạch. TTCP phủ kết luận: UBND TP Hà Nội đối thoại và công khai toàn bộ hồ sơ pháp lý liên quan đến công tác quy hoạch xây dựng tuyến đường Vành đai 1 với các hộ dân; giải quyết khiếu nại theo quy định của Luật Khiếu nại. 

Tại sao người dân vẫn khiếu nại?. Đơn giản vì đụng đến nơi họ đang sống và “hái ra tiền” hàng ngày.

Trước việc khiếu kiện này, Tổng TTCP yêu cầu UBND TP Hà Nội tiếp tục đối thoại và công khai toàn bộ hồ sơ pháp lý liên quan đến công tác quy hoạch xây dựng tuyến đường Vành đai 1 với các hộ dân. Dân “đấu” về pháp lý, hơn ai hết chính quyền phải cung cấp đầy đủ hồ sơ pháp lý. Nút thắt để giải quyết khiếu kiện, tái khiếu, khiếu vượt cấp cũng chính là pháp lý.

Hôm qua - 7/5, kỷ niệm 65 năm Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có bài viết quan trọng: "Phát huy tinh thần độc lập, tự chủ, quyết chiến, quyết thắng trong chiến dịch Điện Biên Phủ, thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng bảo vệ Tổ quốc". Thủ tướng nhắc lại các yếu tố “đoàn kết, thống nhất, chung sức, đồng lòng”. Câu chuyện một dự án phải giải phóng mặt bằng ở Hà Nội cho thấy, không “chung sức, đồng lòng, đồng thuận xã hội” thì nan giải vô cùng.

Đồng thuận xã hội (ĐTXH) là nhân tố quan trọng góp phần bảo đảm ổn định chính trị, xã hội, tạo điều kiện phát triển kinh tế, thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Xây dựng ĐTXH là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội và là trách nhiệm của mỗi công dân trên nền tảng luật pháp.

Một xã hội sẽ ra sao, ai cũng chỉ nhìn thấy lợi ích của mình?. 

Đọc thêm