Niềm tin 2021

(PLVN) - Ngày 31/1, rất nhiều bậc phụ huynh đã chia sẻ một bài viết trên mạng xã hội. Đó là tâm sự xúc động của một người mẹ ở Trường Tiểu học Xuân Phương, nơi có hàng ngàn em học sinh được lấy mẫu xét nghiệm Covid-19.
Học sinh trường Tiểu học Xuân Phương lấy mẫu xét nghiệm Covid-19.
Học sinh trường Tiểu học Xuân Phương lấy mẫu xét nghiệm Covid-19.

Con của chị là một học sinh lớp 3E, nơi có một học sinh là con của một bệnh nhân Covid. Tết này, gia đình chị ăn Tết trong khu cách ly. Bài viết là nỗi lòng của người cha, người mẹ căng thẳng, hồi hộp từng phút khi chờ nhận kết quả xét nghiệm bạn cùng lớp của con, là nỗi lo vỡ òa khi nhận kết quả không hay. Rồi chấp nhận, bình tĩnh đối mặt, an ủi và giúp con bớt sợ hãi, lau cho con những giọt nước mắt...

Tết năm nay, có không ít bậc cha mẹ như thế khi 73 học sinh Trường Xuân Phương, Hà Nội được cách ly. Gần 100 học sinh, giáo viên Trường Bùi Thị Xuân, quận 1, TP HCM phải tự cách ly tại nhà vì một phụ huynh học sinh của lớp đi trên chuyến bay VN 213 là chuyến bay có người nhiễm Covid-19. Sẽ không còn những chuyến du xuân, sẽ không còn một cái Tết bình thường như bao cái Tết khác. Với các em và gia đình, có lẽ đây là một cái Tết khó quên trong đời.

Cứ ngỡ, sau một năm đầy biến động, cả nước sẽ có một cái Tết bình yên, nhưng rồi, những ca lây lan cộng đồng xuất hiện, phá tan trạng thái bình thường mới. Những âu lo đè nặng trên mặt người. Rất nhiều gia đình đã bỏ một số tiền không nhỏ để mua vé tàu, xe để cả gia đình về quê ăn Tết. Với nhiều người, đó là thu nhập cả tháng của họ.

Dịch bùng, người ta hỏi nhau đầy hoang mang: Bây giờ phải làm gì, có được về quê ăn Tết nữa không, có nên về không? Câu hỏi ấy, có lẽ không ai trả lời giùm cho nhau được. Ai cũng đang hồi hộp từng giờ, từng phút ngóng tin về dịch và chờ khuyến cáo của Chính phủ.

Thời điểm này, những người kinh doanh đang "ngồi trên đống lửa". Họ đã có một năm vất vả và thất thu. Dịp Tết với tiêu dùng tăng cao là dịp để họ có thể lấy lại phần nào những gì đã mất. Nhiều kinh phí cho sửa chữa, quảng cáo, tích trữ hàng hóa đã được tung ra. Nhưng giờ đây, người kinh doanh đứng trước nỗi lo mất trắng, nếu dịch tiếp tục diễn biến xấu. Họ sợ rằng, mình không thể chống đỡ thêm một “cú quật” nào nữa.

Cũng ngày 31/1, mạng xã hội xuất hiện  một bài viết cảm động của một nhân viên y tế tại TP HCM. Anh chia sẻ nỗi lòng của một đứa con xa cha mẹ, Tết năm nay lại chẳng thể về thăm. Anh và các đồng nghiệp đã xác định, đây có thể là một cái Tết “trực chiến” ở bệnh viện.

Còn biết bao nhiêu người, vì Covid -19 mà không được ăn một cái Tết bình yên, từ người dân chỉ mong được chúc Tết họ hàng, đến những chiến sĩ đang căng mình chống dịch tuyến đầu và những người đầu ngành đang chỉ đạo chống dịch quên ăn, quên ngủ…

Trong một buổi họp mới đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh: “Chúng ta quyết tâm chặn được dịch trong vòng 10 ngày từ 28/1. Đến 25 Tết có thể nỗ lực khống chế, kiểm soát được hai ổ dịch này. Bên lề Đại hội Đảng XIII, trao đổi với báo chí, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng bày tỏ quyết tâm: “Chúng tôi tự hứa là 10 ngày sẽ dập được dịch".

Những câu nói mạnh mẽ cùng hành động quyết liệt của những người đầu ngành chính là ngọn lửa ấm đốt lên trong ngày hoang mang, sợ hãi. Niềm hy vọng lại được thắp lên, rằng chúng ta sẽ vượt qua, như trước đó đã từng. Những ngày cuối năm 2020 thật dài, nhưng năm 2021 hy vọng sẽ tươi sáng!

Đọc thêm