Nịnh thần chẳng thể nào thành trung thần được!

(PLVN) - Nịnh thuộc hành vi ứng xử, trong ngữ cảnh mà chúng ta đang đề cập là lời nói, cử chỉ với một đối tượng nhất định nào đó. Nội hàm của nó là tâng bốc, khen, ca ngợi,... một cách quá đáng.
Hình minh họa
Hình minh họa

Trong văn hóa truyền thống của dân tộc, hành vi nịnh chưa bao giờ được coi là tốt. Điều đó thể hiện qua những từ ngữ chỉ hành vi này như nịnh hót, nịnh bợ, nịnh nọt... với các trợ từ như xun xoe, khúm núm...

Và, cái hành vi nịnh là chướng tai, gai mắt những người chung quanh vì sự lộ liễu, trắng trợn thì bị gọi là “nịnh thối”, “nịnh đểu”. Nếu đối tượng được nịnh là vua, người nịnh là quan thì là nịnh thần, nó hình thành nên cả một đội ngũ (bọn nịnh thần) và đối lập hoàn toàn với một cách xử sự khác, được ca ngợi là trung thần.

Gần đây hơn, khi Pháp đô hộ nước ta thì xuất hiện và tồn tại đến tận hôm nay là hành vi “nịnh đầm”. Đối tượng được nịnh không thể khác là phụ nữ và người nịnh mặc định là đàn ông. Cũng na ná với hành vi ga-lăng, song chất hào hoa và đàn ông trong ga-lăng khác xa với kiểu nịnh đầm rẻ tiền bị phê phán. Một sắc thái khác của nịnh mà được coi là không xấu nhưng cũng không được cổ vũ là “nịnh vợ”.

Hành vi này cũng khá phổ biến và trở thành phương châm ứng xử của một số ông chồng, đến nỗi họ đổi mới cả một câu thành ngữ: “Đàn ông sợ vợ thì sang/ Thằng nào không sợ tan hoang cửa nhà”(?!). Trong ngôn ngữ đương thời, xuất hiện một từ mới chỉ sự nịnh hót, tâng bốc là “nâng bi”.

Một cụm từ được cho là mới, xuất hiện trong thời gian gần đây là “nịnh không trong sáng”. Thực ra, đã là “nịnh” thì nội hàm của nó đã không trong sáng rồi, kể cả “nịnh vợ”, bởi cái nịnh này cũng nhằm đến lợi ích cá nhân của ông chồng, chí ít là được để yên thân, sau đó mới là yên ấm cửa nhà (nếu bạn không đồng ý với nhận định này thì hãy dẫn ra một ví dụ về hành vi “nịnh trong sáng” đi!). Ở đây đã đề cập đến động cơ của hành vi nịnh, người nịnh phải có một lý do nào đó thì họ với nịnh chứ, tự nhiên vô cớ nịnh để làm gì.

Tất nhiên có những người có thói quen nịnh và họ không bao giờ bỏ lỡ cơ hội để nịnh, những người này được gọi bằng cái tên không hay lắm là “bọn nịnh bợ”, “lũ nâng bi”. Dù sao, hành vi nịnh cũng thể hiện nhân cách của con người đó, lũ nịnh thần rất gần với gian thần và chẳng thể nào trở thành trung thần được.

Mới đây, có ý kiến phải luật hóa, điều chỉnh hành vi “nịnh không trong sáng” (tức là cấm). Điều này phản ảnh một thực trạng ứng xử trong các cơ quan nhà nước của chúng ta là hành vi nịnh khá phổ biến và nó ảnh hưởng đến công việc chung. Tuy nhiên, “nịnh” thuộc phạm trù đạo đức, nhân cách con người, khó định tính, định lượng và khó kiểm soát. Đưa vào luật hoàn toàn có thể được nhưng khả thi thì không. Có thể chỉ nên quy định trong các quy tắc ứng xử ở cơ quan, bắt đầu từ những đối tượng được nịnh, ví dụ: “Lãnh đạo không được để nhân viên tỏ thái độ xun xoe, nịnh bợ đối với mình”.

Đọc thêm