'Nới lỏng' và 'mặt trận thứ hai'

(PLVN) - Từ 16/4, các cửa hàng (từ ăn uống đến các dịch vụ khác) đã bắt đầu theo “chế độ” mới, ví dụ, quán bún, phở đã mở bán cho khách hàng mua mang về. “Điệp khúc” mì tôm, bánh khô... được chấm dứt. 
Việc đi lại ở một số địa phương đã được nới lỏng
Việc đi lại ở một số địa phương đã được nới lỏng

Không riêng Hà Nội (1 trong các địa phương có nguy cơ cao, cách ly xã hội đến 22/4 hoặc 30/4) mà các tỉnh, thành trên cả nước đều đã áp dụng biện pháp “cách ly xã hội” phù hợp tại địa phương mình sau khi Thủ tướng Chính phủ thống nhất các giải pháp cho “cách ly xã hội giai đoạn 2”.

Theo đó, ngày 15/4, Thủ tướng đồng ý với việc phân loại các địa phương thành 3 nhóm: Nhóm có nguy cơ cao, có nguy cơ và nguy cơ thấp để có biện pháp phòng chống dịch phù hợp tương ứng.

Mặc dù chưa có chỉ thị mới thay thế Chỉ thị 16/CT-TTg nhưng có thể thấy, hướng điều hành, chỉ đạo từng bước giảm dần các biện pháp giãn cách xã hội một cách thận trọng, đồng bộ, phù hợp, để vừa phòng chống dịch hiệu quả tích cực, vừa phát triển kinh tế - xã hội.

Từ 0h ngày 16/4/2020, Đà Nẵng cho phép bán hàng theo hình thức bán trực tuyến (online) và bán cho khách mang về, thay vì ngừng hoạt động hẳn như chỉ đạo trước đó. Thừa Thiên - Huế cho phép bán hàng ăn uống online, ship tận nơi theo nhu cầu. Tuy nhiên, nhiều lĩnh vực vẫn tiếp tục tạm dừng hoạt động như dịch vụ, vui chơi giải trí; các lễ hội, phố đi bộ; các cơ sở lưu trú; di tích, bảo tàng, công viên, danh thắng....

Hải Phòng, cho phép các bến phà, bến đò kết nối với tỉnh Thái Bình và tỉnh Hải Dương hoạt động trở lại nhưng chỉ hoạt động từ 6h đến 8h và từ 16h đến 18h hàng ngày; cho phép 50% số đầu xe của từng hãng taxi hoạt động trong phạm vi địa bàn thành phố và số người trên xe chỉ được dưới 50% số ghế. Nếu không phải từ 12 địa phương nhóm nguy cơ cao thì người có nhu cầu được vào thành phố và không phải cách ly y tế tập trung, nhưng phải có xác nhận của cơ quan hoặc chính quyền địa phương nơi đi....

Xã hội đã bớt đi cảnh “nhà nào ngồi nhà ấy” nhưng vẫn thận trọng bởi Sars-Cov-2 không “tha thứ” bất cứ sự chủ quan nào.

Thực hiện khá linh hoạt nhưng theo chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vẫn nhất quán với phương châm chống dịch như chống giặc. Cách chống dịch đó, được củng cố bởi “tai mắt nhân dân”. Cả nước này sẽ “không chủ quan, không lơ là, không mất cảnh giác”  để đến mức vỡ trận vì vỡ trận là mất tất cả. Tuy nhiên, Thủ tướng chỉ đạo “cần phải mở mặt trận thứ hai để tái khởi động, phục hồi nền kinh tế”.

Phục hồi, cứu nền kinh tế là cứu cuộc sống. Chống dịch Covid-19 là cứu con người. Hai mặt của một vấn đề lớn đang diễn ra sáng tạo. 

Đọc thêm