Phải chăng người Việt 'hung hăng' thật?

(PLVN) - Mùng 2 Tết, trên một nhóm chat tán chuyện để thay thế cho việc đi chơi, tụ tập chúc Tết, giật mình trước dòng tin nhắn của một người bạn: “Ở khu chung cư nhà này vừa có chuyện ầm ĩ. Nhà tầng dưới xách dao lên hỏi chuyện nhà tầng trên vì cái tội đi lại nặng chân, gây tiếng động trên trần nhà họ”.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Sau dòng tin nhắn đó là rất nhiều câu hỏi lại mà phần lớn là nghi ngờ người phát ra thông tin vì anh bạn này có tiếng là hay bông đùa, bỡn cợt, không khéo nghỉ Tết không đi đâu buồn quá nghĩ chuyện “câu like” chơi. Nhưng hóa ra đó là chuyện thật 100% và ban quản trị khu chung cư đó cùng chính quyền đã phải tham gia giải quyết mới “vãn hồi được hòa bình” giữa hai nhà.

Nhưng cũng cần biết rằng dù hòa bình đã được thiết lập nhưng cả hai nhà đều ấm ức vì nhà trên có con nhỏ cho rằng nhà dưới không biết thông cảm cho trẻ con chạy chơi, nghịch ngợm, sao cấm được, nhất là trong tình cảnh chúng bị cha mẹ “giam lỏng” ở nhà phòng dịch thế này. Nhà dưới thì cho rằng nhà trên không biết dạy con, động tí là bênh con chằm chặp, không thừa nhận mình sai.

Câu chuyện ở chung cư nhà bạn lại khiến tôi nhớ về chuyện của chung cư nhà mình vài năm về trước. Cũng nhà tầng dưới trách nhà tầng trên để trẻ con chạy nhảy nặng chân, nhưng thay vì vác dao lên “nói chuyện” thì anh ta lại làm đơn kiện ra phường, ra quận để nghị xử phạt vi phạm hành chính những đứa trẻ và bỏ tù cha mẹ chúng nếu được (!). Tất nhiên, chẳng cơ quan chức năng nào đi giải quyết những việc dân sự cỏn con đó và việc giải quyết được phân xuống cho ban quản trị chung cư. Anh chủ hộ tầng dưới khi biết thế cho rằng đã có sự hối lộ lót tay ở đây nên tiếp tục làm rùm beng lên để yêu cầu giải quyết.

Sự việc chỉ thực sự yên ắng khi chính bản thân anh ta cũng lấy vợ, có con và cũng không thể nào cấm con mình chạy nhảy trên đầu nhà tầng dưới nữa. May cho anh ta chẳng ai kiện cả…

Hãy khoan bàn tới chủ đề văn hóa chung cư ở các câu chuyện trên, mà bàn về câu hỏi mà một người bạn trong nhóm đã đặt ra khi hiểu rõ câu chuyện: “Phải chăng người Việt thích đánh nhau, chuyện cỏn con như vậy mà cũng mang dao đi hỏi tội hàng xóm?”. Theo tôi, câu hỏi này cũng không có gì là hồ đồ cả khi mấy ngày nay ngay chính trên các phương tiện truyền thông cũng đang đăng tải một thông tin giật mình: “Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong 6 ngày nghỉ Tết Tân Sửu đã có 4.001 ca cấp cứu tai nạn do đánh nhau, chiếm 1,3% trong tổng số ca cấp cứu của các bệnh viện, 73% trong số đó phải nhập viện điều trị và đã có 8 trường hợp tử vong”.

Số ca nhập viện do đánh nhau vào những ngày Tết những năm gần đây cũng có xu hướng gia tăng. Tết Canh Tý năm 2020, Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, 3 ngày Tết (từ 29 đến hết mùng 2 Tết) đã có 1.660 ca cấp cứu tai nạn do đánh nhau, trong số đó 1.213 ca phải nhập viện điều trị/theo dõi và đã có 5 trường hợp tử vong. Nhìn lại những năm gần đây, cụ thể từ năm 2015 số ca nhập viện do đánh nhau đều mở mức cao. Giữ kỷ lục là năm 2015, số bệnh nhân khám cấp cứu do đánh nhau trong dịp Tết là 6.868 trường hợp, trong đó 15 người tử vong. Năm 2016 con số này ở mức trên 3.400 ca; năm 2017 là gần 4.500 ca...

Đây thực sự là con số gây sốc khai mở cho đầu năm mới. Sau khi con số này được công bố, nhiều người đã giật mình và suy ngẫm bởi bạo lực trong thời bình là một nét phản văn hóa rất đáng buồn. Hẳn nhiều người cũng thừa nhận với tôi rằng, ở Việt Nam hiếm ai đi lại nhiều trên đường phố mà chưa chứng kiến các vụ đánh nhau sứt đầu mẻ trán chỉ vì va quệt nhẹ, có những thanh niên sẵn sàng cầm dao đâm người chỉ bởi một cái nhìn “đểu” vu vơ”; hay vừa mới “chén chú chén anh”, họ đã có thể nhảy bổ vào nhau sống mái vì lỡ miệng…

Phải chăng người Việt “hung hăng” thật? Đi tìm nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này có thể thấy đa phần do sử dụng rượu bia dẫn đến thiếu kiềm chế. Tuy nhiên, đó chỉ là bề nổi. Sâu xa hơn, theo phân tích của các nhà giáo dục, tâm lý xã hội, các chuyên gia kinh tế, pháp luật… thì đó là do giáo dục, là sự chú trọng dạy chữ, xem nhẹ dạy làm người; phát triển kinh tế thị trường không gắn liền với phát triển văn hóa; pháp luật chưa nghiêm minh, ý thức chấp hành pháp luật của một số người quá kém; nhiều áp lực trong cuộc sống; xã hội còn nhiều bất công, tiêu cực...

Tôi nhớ đã đọc ở đâu đó rằng, Sigmund Freud, cha đẻ của ngành phân tâm học cho rằng thẳm sâu trong mỗi con người luôn là bóng dáng của bạo lực. Và thứ bạo lực này sẽ bùng nổ nếu không có pháp luật, đạo đức, hay các thể chế xã hội khác kiềm toả.

Như vậy có thể thấy rất cần mỗi người sống đúng theo tinh thần “thượng tôn pháp luật”; cần những người cầm cán cân công lý xử phạt nghiêm minh, công bằng với bất cứ hành vi vi phạm pháp luật nào, cho dù đó là ai; cần làm tốt công tác giáo dục về cách ứng xử cũng như pháp luật cho trẻ em… Nếu làm được như vậy thì chắc chắn tại các khu chung cư sẽ không còn những ông hàng xóm bạo lực, trên đường sẽ không còn các thành phần tham gia giao thông bằng dao, kiếm và những vụ án giết người, cố ý gây thương tích chỉ vì những lý do lãng xẹt cũng sẽ giảm rất nhiều…

Đọc thêm