Phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả: Đã đến lúc nhiều tỉnh, thành cho học sinh đi học?

(PLVN) - Nhiều tỉnh, thành thuộc diện khá an toàn nhưng vẫn cho học sinh nghỉ học. Việc 22 triệu học sinh không đến trường gây ra những hệ lụy không nhỏ về đời sống, kinh tế. Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, với diễn tiến  thuận lợi như hiện nay, nhiều tỉnh nên tính phương án tổ chức cho học sinh đến trường.    

“Chống giặc thì nên lựa chọn phương án ít tồi tệ hơn”

GS Hồ Ngọc Đại khi trao đổi về vấn đề này đã nhắc đến chỉ thị “Chống dịch như chống giặc” của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi dịch vừa bùng phát ở Trung Quốc và có hai trường hợp người Trung Quốc mang virus này sang Việt Nam.

Theo GS Đại, so sánh dịch với giặc là từ rất đắt, qua đó huy động tổng thể nguồn lực trong xã hội để giành chiến thắng. Thừa nhận trường thực nghiệm của ông cũng lao đao vì cán bộ, giáo viên và học sinh nghỉ học, GS Đại cho rằng khi đã chống giặc thì phải chấp nhận có hy sinh, mất mát. Tuy nhiên, “điều quan trọng là trong cuộc chiến này cần phải lựa chọn phương án thiệt hại ít tồi tệ hơn”. 

Trong ngành giáo dục, để phòng dịch bệnh, tính đến ngày 15/2, toàn bộ 63 tỉnh, thành trong cả nước đã cho học sinh nghỉ học, trong đó có 56 tỉnh, thành cho học sinh nghỉ học đến hết tháng 2; 7 tỉnh, thành cho học sinh nghỉ học đến ngày 22 và 23/2. 

Về vấn đề này, GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng: Khi mới công bố dịch, do chưa kiểm soát được nguồn gây bệnh, chưa dự được diễn tiến của dịch thì việc cẩn trọng cho học sinh nghỉ học là cần thiết và dễ hiểu. Gần đây, chúng ta đã kiểm soát được nguồn gây bệnh, đã cách ly những trường hợp nghi nhiễm và đặc biệt là kết quả điều trị rất tích cực. 

“Chúng ta có 90 triệu dân mà mới chỉ 16 người nhiễm virus corona chủng mới, trong đó 7 trường hợp đã khỏi bệnh, các trường hợp khác có kết quả điều trị rất khả quan. Điều đó cho thấy công tác phòng, chống dịch của chúng ta mang lại kết quả tốt. Trong điều kiện như hiện nay, việc nhiều tỉnh, thành vẫn tiếp tục cho học sinh nghỉ học là hơi thái quá”, GS Thuyết nói.   

Theo GS Thuyết, chúng ta cũng cần tham khảo cách làm hay của bạn bè. Ví như Bộ trưởng Giáo dục Singapore khẳng định nước này chưa có kế hoạch cho học sinh nghỉ học, dù tỷ lệ nhiễm virus corona trên số dân ở nước này cao hơn ở Việt Nam.

Lý do là việc nghỉ học sẽ làm xáo trộn đời sống sinh hoạt của gia đình, phụ huynh phải nghỉ việc chăm sóc con và việc học sinh ở nhà cũng có nguy cơ nhiễm virus vì tiếp xúc với người lớn. Và, đặc biệt là Singapore đã biến thách thức dịch thành cơ hội để đào tạo, hướng dẫn các học sinh cách chủ động phòng, chống dịch. 

Tuy chưa phát hiện nghi vấn nào ở trường học nhưng các lớp học vẫn đươc khử trùng sạch sẽ
Tuy chưa phát hiện nghi vấn nào ở trường học nhưng các lớp học vẫn đươc khử trùng sạch sẽ 

Học sinh nhiều nơi không nhất thiết phải nghỉ học 

Ở giác độ kinh tế, PGS, TS Trần Đình Thiên, Thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng, cho rằng 22 triệu học sinh nghỉ học không đơn giản là vấn đề xã hội hay giáo dục mà còn là vấn đề kinh tế rất nghiêm túc, nghiêm trọng. 

Vì, học sinh, giáo viên và đặc biệt là phụ huynh học sinh đã làm cho chuỗi cung ứng, dịch vụ bị đứt, gãy. “Đơn giản như việc cho học sinh nghỉ học thì sẽ ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng dịch vụ, lao động, việc làm. Khi học sinh nghỉ học , nhiều phụ huynh phải ở nhà trông con, những người giúp việc có thể cũng mất việc ngắn hạn và gây ra những “bi kịch về thu nhập”, ông Thiên nói. Theo ông, Singapore kinh tế rất mạnh nhưng họ rất thận trọng, giảm thiểu tác động xấu đến kinh tế do dịch gây nên. 

Nội lực kinh tế của ta rất yếu. Khu vực xuất khẩu lớn, đóng góp thuế xuất nhập khẩu và thu nhập doanh nghiệp nhiều là  FDI cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng do nhiều nữ công nhân ở khu công nghiệp, khu chế xuất nghỉ việc trông con vì trường học đóng cửa.

Mặt khác, về mặt tâm lý, theo GS Thuyết, nếu cho nghỉ học lâu có thể làm cho học sinh chuyển sang tâm thế mới là thích nghỉ học hoặc tâm lý trì trệ. “Đó là một thiệt thòi và cần tính toán kỹ. Ngay cả người lớn nghỉ Tết quá lâu cũng phải mất vài ngày để bắt nhịp công việc”, GS Thuyết phân tích.

Về ý kiến có thể cho học sinh nghỉ học hết tháng 3, sau đó học bù vào dịp nghỉ hè, GS Thuyết không đồng tình: Việc nghỉ học 3 tháng hè đã được tính toán khoa học. Ở ta, mùa hè rất nóng, khổ cho học sinh và nếu học cũng khó tiếp thu. 

GS Thuyết bày tỏ quan ngại về việc một số địa phương quá lo trách nhiệm trong phòng, chống dịch nên trì hoãn tổ chức cho giáo viên nghiên cứu để lựa chọn bộ SGK mới cho địa phương mình, ảnh hưởng tới lộ trình triển khai và chất lượng đào tạo trong năm học tới.

WHO và Trung Quốc cũng xác định virus corona chủng mới khó phát triển được ở những nơi nắng nóng. Miền Trung và miền Nam nước ta có điều kiện khí hậu không thuận lợi cho loại virus này phát triển. “Với tình hình khả quan như hiện nay, tuy chúng ta không được chủ quan nhưng cũng không nhất thiết tỉnh nào cũng cho học sinh nghỉ học”, GS Thuyết bày tỏ.

Theo vị Giáo sư này, Bộ Y tế và Bộ GD – ĐT cần có văn bản hướng dẫn cách phòng, chống dịch và tổ chức cho học sinh đến trường. Trong đó có việc trang bị máy đo thân nhiệt; dung dịch rửa tay; hướng dẫn quy cách phun thuốc diệt khuẩn ở mỗi trường; trang bị sổ tay và tập huấn, hướng dẫn phòng dịch cho giáo viên, học sinh…

Ngay như việc sử dụng khẩu trang đúng cách và giặt, tiêu hủy khẩu trang đã qua sử dụng cũng rất quan trọng và cần được hướng dẫn cụ thể. Bởi mỗi khẩu trang đã qua sử dụng cũng có thể là một ổ virus, vi khuẩn gây bệnh.

Cho rằng chính quyền một số địa phương ở những vùng an toàn vừa qua đã “hơi quá”, “hơi cực đoan” khi cho học sinh đồng loạt nghỉ học dài ngày, GS Thuyết đề nghị chính quyền địa phương cần huy động các lực lượng trên địa bàn để kiểm soát, phân loại và cách ly nguồn, nguy cơ gây dịch để học sinh thực sự được an toàn khi đến trường.

“Theo tôi, các địa phương cần quy định phụ huynh chỉ đưa con đến cổng trường, không vào trường, lớp học. Khi đưa đón con, phụ huynh bắt buộc phải đeo khẩu trang, vì người lớn đi lại, tiếp xúc nhiều, có thể mang mầm bệnh lây nhiễm cho học sinh”. Ông đề nghị các phương tiện truyền thông cũng đừng nói quá, gây sợ hãi “bóng ma” Covid-19 .

Đồng tình với quan điểm cần rà soát, đánh giá và tổ chức cho học sinh đến trường ở những vùng an toàn để giảm thiểu những thiệt hại không đáng có, PGS Trần Đình Thiên cho rằng “chúng ta còn rất nhiều khó khăn, thách thức cần vượt qua. Một trong số đó là khôi phục sản suất, tái cơ cấu kinh tế luôn và ngay để chặn đà suy giảm kinh tế có thể khiến GDP năm nay chỉ tăng 5-5,5%”.

Đọc thêm