Rất khó biện minh

(PLVN) - Hà Nội cho xả nước Hồ Tây vào sông Tô Lịch và làm cuốn trôi công trình mà các kỹ sư người Nhật đang thử nghiệm công nghệ vi sinh để làm sạch dòng nước bị ô nhiễm trầm trọng này. Trong lúc người dân phập phồng hy vọng, dõi theo từng ngày sự chuyển biến tích cực của cuộc thử nghiệm này và đã có kết quả trông thấy mà bất ngờ bị phá hỏng thì dù giải thích như thế nào cũng khó có thể thuyết phục được dư luận nghi ngờ có một động cơ thiếu trong sáng trong đó.
Khu vực thí điểm làm sạch sông Tô Lịch sau khi hồ Tây xả nước
Khu vực thí điểm làm sạch sông Tô Lịch sau khi hồ Tây xả nước

Việc xả lũ của thủy điện ở huyện Sa Pa (Lào Cai) lúc đang mưa lớn gây thiệt cho dân địa phương trong vùng và phản ứng dữ dội của cộng đồng dân cư địa phương được giải thích là “đúng quy trình”, “không phải tác nhân trực tiếp” gây nên lũ lụt, “không bồi thường thiệt hại, chỉ hỗ trợ thôi” càng làm cho dư luận bất bình.

Cũng tại Lào Cai, một thủy điện xây dựng và vận hành nhiều năm nay mà chưa được cấp phép, doanh thu nhiều tỷ đồng mà vẫn không chịu nộp thuế buộc người ta phải đặt câu hỏi là quản lý kiểu gì mà để xảy ra tình trạng như vậy, có cái gì khuất tất chăng?.

Tại sao xăng giả không bị phát hiện khi các cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra? Tại sao danh sách các đơn vị kinh doanh xăng dầu sai phạm, bị xử phạt hành chính không được công khai? Dù cho rằng phát hiện xăng giả là “khó”, là phải “bí mật điều tra”, là kiểm tra hành chính “không thể phát hiện”... như trả lời báo chí của cơ quan chức năng nhưng cũng khó làm thỏa mãn dư luận về trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.

Đã có rất nhiều ồn ào trong vụ xử phạt và cấm quảng cáo “mở lon Việt Nam” được giải thích là cụm từ này gây ra nhưng liên tưởng không tốt, ảnh hưởng thuần phong mỹ tục nhưng càng lý giải thì lại càng bị “ném đá” dữ dội hơn. Đơn giản, với cách nghĩ thông thường và phổ biến, không ai cho rằng từ ngữ này là “tục” cả.

Sau vụ “lon” là đến vụ “lu”, theo đề xuất tại cuộc họp HĐND TP HCM của một nữ PGS, Tiến sỹ chuyên ngành Dân tộc học nên trang bị cho mỗi hộ dân một cái lu chứa nước mưa góp phần chống ngập. Bị phản ứng, vị này giải thích đây là kết quả của công trình nghiên cứu và sáng kiến này là của tổ chức JICA Nhật Bản. Tuy nhiên, tổ chức này đã lên tiếng phủ nhận rằng “sáng kiến” đó không phải của mình, có cái gì để biện minh tiếp theo không?.

Việc sai lầm, “nói hớ”, thiếu trách nhiệm trong công việc,... không phải chuyện hiếm và ai cũng có thể mắc phải. Quan trọng là thái độ ứng xử với những chuyện “không may” đó. Thông thường, ở các nước văn minh, có văn hóa thì người ta công khai xin rút lại những phát biểu đó, thậm chí xin từ chức để tránh một hiệu ứng phẫn nộ từ phía dư luận, giữ hòa khí xã hội và tự tôn trọng bản thân. Ở ta, tại sao không?.

Đọc thêm