Sự tử tế tạo dựng

(PLVN) - Hành vi ứng xử của mỗi người thể hiện suy nghĩ, cách sống, quan niệm... và cả môi trường xã hội nữa. Có những hành vi ứng xử dù chỉ là bột phát song cũng do những yếu tố trên cấu thành, bộc lộ ít hay nhiều bản chất thực của người đó và phản ảnh nền giáo dục hay văn hóa xã hội đương thời.
Trưởng ban Nội chính tỉnh Thái Bình gây tai nạn giao thông nghiêm trọng.
Trưởng ban Nội chính tỉnh Thái Bình gây tai nạn giao thông nghiêm trọng.

Dư luận xã hội chê trách, thậm chí phẫn nộ trước những hành vi ứng xử thiếu văn hóa, coi thường đạo lý và pháp luật nhưng cũng lấy làm tiếc khi hành vi đó lẽ ra không nên có để gây ra hệ lụy rất lớn cho bản thân người có hành vi ứng xử đó và cả xã hội.

Giá như khi gây tai nạn giao thông nghiêm trọng, ông Trưởng ban Nội chính tỉnh Thái Bình dừng xe lại, giữ nguyên hiện trường, tìm cách cứu giúp những người bị nạn thì chắc chắn ông không bị dư luận xã hội lên án gay gắt đến thế và cả ngay khi bị xử lý theo pháp luật hình sự thì cũng sẽ được giảm trách nhiệm rất nhiều.

Do cách xử sự của ông là bỏ chạy khiến bây giờ ông mất hết chức quyền và trở thành bị can trong vụ án tai nạn giao thông. Một việc xảy ra ngoài ý muốn nhưng do cách xử sự kém cỏi mà chấm dứt sự nghiệp đang trong lúc rạng rỡ nhất của cuộc đời mình.

Hoặc, giá như ông Phó Chủ tịch HĐND huyện ở Bình Phước biết kiềm chế bản thân, không nổi nóng, đập bàn, đập ghế mắng mỏ thô tục những người đang làm nhiệm vụ chống đại dịch cúm thì đâu phải chịu hậu quả nặng nề bị cách hết chức vụ và không bị xử lý hình sự còn là may. “Cả giận, mất khôn” là vậy!

Có những trường hợp nổi nóng, phát ngôn coi thường người khác, thậm chí, dùng cả hành vi bạo lực là đánh người... sau đó thì nhận ra mình sai, ân hận và xin lỗi nhưng đã muộn rồi. Địa vị xã hội cũng như chức vụ đang đảm nhiệm không cho phép anh xử sự như một kẻ côn đồ, thiếu giáo dục khiến dư luận phẫn nộ.

Người có hành vi này thường biện minh là mình bị “gài bẫy” để hạ uy tín, bị khiêu khích khiến không kiềm chế được bản thân,... Cho dù bị “gài bẫy” đi chăng nữa thì hành vi đáp trả một cách thiếu văn hóa âu cũng là sự bộc lộ bản chất hay cáu giận, “coi trời bằng vung” của anh ta.

Cái suy nghĩ đơn giản để dẫn tới những hành vi ứng xử thiếu chuẩn mực là cho rằng dù thế nào đi chăng nữa thì bằng địa vị xã hội, cương vị mình đang nắm giữ cùng với quan hệ của mình thì sự việc sẽ được bỏ qua, làm ngơ hoặc cùng lắm bị xử lý thì cũng nhẹ nhàng, êm thấm.

Trên thực tế, đã có không ít những chuyện như thế này, “nghiêm khắc rút kinh nghiệm sâu sắc” mà không xử lý đến nơi, đến chốn. Đó chính là môi trường để những hành vi ứng xử ngạo ngược có điều kiện sinh sôi, chi phối và tác động đến suy nghĩ và hành vi ứng xử của mỗi người.

Hành vi ứng xử không chỉ là một kỹ năng sống mà còn là sự thể hiện trình độ văn hóa, giáo dục của mỗi cá nhân trong cộng đồng. Rất nhiều trường hợp ở những hành vi tử tế như cứu giúp người bị nạn, trả lại của rơi, đỡ đần người khác trong cơn hoạn nạn,... khi được hỏi thì đều trả lời rằng “không phải của mình thì không lấy” hoặc, “thấy thì giúp thôi”.

Có nghĩa những hành vi tử tế ấy đã có sẵn trong tâm thức con người, hành động theo đạo lý “mặc định”. Hành vi này khác xa với việc “tạo dựng” hành vi tử tế có mục đích “đánh bóng” hình ảnh của mình mà không thuộc bản chất “tự nhiên, tự tại”, thiện tâm vốn có trong con người! 

Đọc thêm