Tâm nguyện của Thủ tướng

(PLVN) - Thủ tướng Chính phủ vừa có bài viết đáng chú ý: “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nhằm khai thông, giải phóng tối đa, huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực, tạo động lực mới đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững”.
ảnh minh họa
ảnh minh họa

Đổi mới hay dừng lại! Không có con đường nào khác để đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững ngoài con đường “đổi mới mạnh mẽ”. Thực tiễn hơn ba thập niên đổi mới đất nước cho thấy, mỗi khi nguồn lực của đất nước được giải phóng tối đa và sử dụng có hiệu quả thì tạo được thành tựu bứt phá trong phát triển. Ngược lại, những thời điểm nguồn lực không được khai thông, các tiềm năng, lợi thế không được phát huy đầy đủ, khi đó nền kinh tế bị rơi vào trì trệ, suy giảm động lực phát triển.

Để “đổi mới mạnh mẽ”, nhiệm vụ của những người làm công tác luật pháp rất nặng nề: Phải tập trung hoàn thiện luật pháp, cơ chế, chính sách, khung pháp lý trên rất nhiều lĩnh vực. Thực tế cho thấy, hệ thống pháp luật (HTPL) cần tiếp tục đồng bộ, thống nhất, đáp ứng hơn nữa yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội…

Đặc biệt, công tác tổ chức thi hành pháp luật vẫn còn những tồn tại, chưa kịp thời đáp ứng yêu cầu của công cuộc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN; chế tài pháp lý chưa thực sự nghiêm khắc, vẫn còn hiện tượng “nhờn” luật trên một số lĩnh vực. Thực tế cho thấy không ít vụ việc lợi dụng sơ hở của pháp luật gây thiệt hại lớn cho đất nước, cho ngành và từng lĩnh vực.

Chính vì thế, cách đây gần 15 năm, ngày 24/5/2005 Bộ Chính trị có Nghị quyết 48-NQ/TW Về chiến lược xây dựng và hoàn thiện HTPL Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020.

Mặc dù HTPL ngày càng được hoàn thiện, nhưng rõ ràng thể chế chưa theo kịp sự thay đổi nhanh chóng của thế giới; nhiều quy định thiếu thực tế lại chậm đổi mới, dẫn đến một số văn bản ra đời không theo kịp yêu cầu của cuộc sống…

Cách mạng công nghệ (CMCN) 4.0 hiện đang làm thay đổi tất cả từ quản lý nhà nước đến các lĩnh vực trong đời sống. Do vậy, không thể không hoàn thiện HTPL, không thể không làm mới, tập trung xây dựng Chính phủ điện tử, thành phố thông minh... trong thời kỳ hội tụ công nghệ (chia sẻ dữ liệu, kết nối, dùng chung), kinh tế số (điều chỉnh được toàn bộ ngành nghề mới).

Và trong bối cảnh đó, Việt Nam cần tìm được cách tiếp cận hiệu quả nhất, xây dựng được môi trường chính sách, pháp luật phù hợp để huy động nguồn lực, tận dụng cơ hội đến từ CMCN 4.0 để không bị tụt lại phía sau. Rõ ràng để “đổi mới mạnh mẽ” phải tiếp tục hoàn thiện luật pháp./.

Đọc thêm