Thách thức chính quyền

(PLVN) - Không thể dùng một tổ hợp từ khác đi với một loạt động thái của Tập đoàn Địa ốc Alibaba và ông chủ của nó xảy ra liên tiếp gần đây, chính xác hơn đó là sự thách thức trắng trợn, ngang ngược, có hệ thống với chính quyền sở tại.
Một dự án trái phép của Tập đoàn Địa ốc Alibaba
Một dự án trái phép của Tập đoàn Địa ốc Alibaba

Việc phân lô bán nền trên đất nông nghiệp với các dự án “ma” núp bóng hợp đồng “đầu tư” với nông dân chủ đất, lách luật một cách tài tình, đưa được rất nhiều nhà đầu tư, khách hàng vào tròng và tất nhiên, thu lãi khủng khiếp, đó gần như là một sự lừa đảo công khai mà chính quyền không làm gì được trong một thời gian dài. Khi chính quyền dùng đến biện pháp mạnh là cưỡng chế thì phản ứng bằng cách tập hợp đông người, phản đối và phá phách phương tiện, tổ chức hội nghị nhân viên phê phán chính quyền, thậm chí ông chủ Alibaba còn có những lời lẽ nhục mạ Công an và Chủ tịch xã.

Tương tự như cách “phân lô, bán nền” của Alibaba, tại nhiều địa phương xuất hiện các dự án “ma” được tô vẽ hào nhoáng, hấp dẫn bởi giá rẻ, lợi nhuận đầu tư cao,... Đất nông nghiệp, bãi rác, đất công,... bị đưa ra rao bán công khai, “cò mồi” ầm ỹ mà chính quyền quản lý các bãi đất đó không hay biết, không lên tiếng cảnh báo, không có những động thái ngăn chặn khiến rất nhiều người mua phải ôm hận. Thách thức chính quyền ra mặt nhưng chính quyền không ra mặt nên các “chủ dự án” càng lộng hành.

Mới đây, báo chí phát hiện một mỏ cát trên đất nông nghiệp rộng 7 ha bị một người chiếm dụng, khai thác tráp phép ở huyện Bắc Bình, Bình Thuận. Họ xây tường cao 2,5 m bao quanh khu vực chỉ để một lối cho xe cộ khai thác, vận chuyển ra vào. Chính quyền biết, cơ quan chức năng biết nhưng chỉ xử phạt hành chính mà không thể ngăn chặn và chấm dứt hoạt động khai thác trái phép này. Thách thức chính quyền, chính quyền bó tay.

Nhỏ hơn, một “đại gia” ở Huế xây dựng resort của mình không phép, xây tường chắn đường, cán bộ vào kiểm tra phải leo tường, chính quyền mời làm việc nhiều lần không đến,... rõ là một hành vi thách thức. Sự thách thức tương tự như vậy xảy ra ở nhiều nơi nhưng hầu như chính quyền địa phương bất lực, cho đến khi phải xử lý thì nửa vời, bắt phá dỡ công trình phụ hoặc theo kiểu “phạt cho tồn tại” mà không có những động thái quyết liệt khiến kỷ cương, phép nước bị coi thường.

Không chỉ trong lĩnh vực xây dựng, đất đai, khai thác khoáng sản xảy ra các vụ việc sai trái, thách thức chính quyền mà cả trong những lĩnh vực kinh doanh, bán hàng đa cấp, tổ chức du lịch,... đều có những hành vi táo tợn, bất chấp quy định pháp luật, điều đó đã tạo ra những bất an xã hội và làm giảm thiểu vai trò quản lý nhà nước của chính quyền sở tại. 

Đọc thêm