Thương chứ đừng 'thương hại' em ấy

(PLVN) - Lòng trắc ẩn, sự đồng cảm đối với những mảnh đời bất hạnh là một vẻ đẹp đạo đức, tuy nhiên, cần suy xét nhiều hơn khi thể hiện vẻ đẹp ấy bằng hành động thiện nguyện.
Hình ảnh cậu bé Quang Duy bị chủ quán bánh xèo tại Bắc Ninh "tra tấn" gây bức xúc dư luận những ngày qua.
Hình ảnh cậu bé Quang Duy bị chủ quán bánh xèo tại Bắc Ninh "tra tấn" gây bức xúc dư luận những ngày qua.

Những ngày gần đây, các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh nhiều về sự việc về một cậu bé tên Trương Quang Duy, 14 tuổi, bị chủ một quán bánh xèo bạo hành tại Bắc Ninh. Thật buồn khi Quang Duy không phải trường hợp đầu tiên được phát hiện lâm vào cảnh này.

Cách đây 10 năm, Hào Anh, một cậu bé cũng 14 tuổi bị bạo hành, tra tấn dã man khiến người dân cả nước xôn xao.

Hào Anh đã trải qua 2 năm cơ cực, bị bạo hành trước khi được phát hiện và giải cứu. Sau đó, rất nhiều hình ảnh mình mang đầy thương tích cùng nước mắt của cậu được lan truyền, tạo nên một làn sóng mạnh mẽ, bày tỏ bất bình đối với kẻ bạo hành và cảm thông, sẻ chia với nạn nhân. Có thể nói, Hào Anh rất được các tổ chức và cá nhân thiện nguyện quan tâm thời điểm ấy. Người ta đã ủng hộ cậu những gì? Phần lớn là tiền!

Tiền không có gì là xấu, xấu hay tốt còn xem lại ở mục đích sử dụng. Số tiền ủng hộ Hào Anh lên đến gần 1 tỉ đồng. Thật khó có thể đoán được diễn biến tâm lý của Hào Anh thế nào khi nhận được khoản tiền "khổng lồ" với em như thế.

Diễn biến sau đó đáng buồn, đến nay, những người từng giúp đỡ không khỏi ngán ngẩm khi tìm kiếm tên “Hào Anh” và đọc thông tin về em trên mạng internet.

Không phải ai, thậm chí cả những bậc làm cha làm mẹ, cũng hiểu được tâm tư nguyện vọng của những đứa trẻ có hoàn cảnh cá biệt như Hào Anh là gì. Nhưng nếu chúng ta suy xét thật kỹ thì ở độ tuổi này, không có gì quan trọng và đáng giá bằng tình yêu thương và sự giáo dục. Tiền rất quan trọng, cần có tiền để các em không phải bán sức lao động quá sớm để rơi vào cảnh đau lòng. Tuy nhiên, tiền không thể thay thế những điều quyết định tương lai của các em như trên.

Trở lại với sự việc của em Trương Quang Duy, sẽ rất bình thường nếu có những người muốn giúp đỡ, hỗ trợ cho cuộc sống của em. Nhưng người viết những dòng này cho rằng, điều quan trọng nhất thời điểm này với Quang Duy là em được yêu thương, chăm sóc để qua được cơn khủng hoảng tâm lý. Tiếp đó, quan trọng không kém, bên cạnh việc tặng tiền mặt hãy tính đến chuyện em sẽ được học hành, giáo dục ra sao, cách nào thiết thực để giúp em tự gây dựng được cuộc sống tốt, trở thành một công dân có ích trong tương lai.

Tôi không cho rằng vấn đề này là đơn giản. Việc giáo dục một đứa trẻ không hề dễ dàng và còn đặc biệt khó khăn với những đứa trẻ trải qua một tuổi thơ bất hạnh. Câu nói “đừng tặng cá mà hãy tặng cần câu” thật sự đáng để chúng ta suy ngẫm nếu có ý định giúp đỡ Quang Duy hay các hoàn cảnh tương tự!.

Đọc thêm