Từ nhân tài đến “nhân tai”

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Thời gian vừa qua, một trong những nhiệm vụ “đau đầu” của Sở Nội vụ tỉnh Quảng Ngãi là đôn đốc một số người được đi đào tạo thạc sĩ ở nước ngoài nhưng không quay về phục vụ tỉnh như cam kết phải hoàn trả kinh phí vào ngân sách. Sau hai lần phát văn bản, đơn vị này cho biết đến hết tháng 11/2021, những cá nhân này không hoàn trả đủ kinh phí, Sở Nội vụ sẽ xem xét, tham mưu UBND tỉnh khởi kiện.
Từ nhân tài đến “nhân tai”

Bốn trường hợp trên đều là con của một số nguyên lãnh đạo tỉnh. Cụ thể, con gái của nguyên Giám đốc Sở Tài chính; con gái của nguyên Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy; con gái của nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; con trai của nguyên Chủ tịch UBND TP Quảng Ngãi.

Các cá nhân trên được cử đi đào tạo ở nước ngoài theo Đề án đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ và thu hút nhân lực có trình độ cao giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng đến năm 2020 của tỉnh Quảng Ngãi. Tuy nhiên, sau khi kết thúc chương trình đào tạo, những cá nhân này không về làm việc cho tỉnh Quảng Ngãi theo đúng cam kết. Tháng 11/2019, tỉnh ra quyết định thu hồi gấp đôi kinh phí hỗ trợ đào tạo như cam kết đã ký trước đó.

Quyết định này nêu rõ, bốn cá nhân trên bị buộc phải hoàn trả hơn 2 tỷ đồng; 2,4 tỷ đồng; 3,5 tỷ đồng; và 1,9 tỷ đồng. Bốn cá nhân này phải hoàn trả số tiền cho tỉnh trong thời gian 2 năm, được chia làm 10 lần, mỗi lần trả tối thiểu 1/10 tổng kinh phí phải hoàn trả. Quảng Ngãi đề nghị là thế nhưng sau hơn một năm qua, 4 cá nhân nói trên chỉ trả được 2,8 tỷ đồng trong tổng số tiền 9,8 tỷ đồng.  

Trước đó, nhằm nâng cao nguồn nhân lực, tỉnh Quảng Ngãi triển khai đề án nêu trên, định hướng đến năm 2015 đào tạo và thu hút 300 thạc sĩ, 20 tiến sĩ trong và ngoài nước. Từ năm 2016 đến 2020, tỉnh cử đi đào tạo và thu hút 350 thạc sĩ, 25 tiến sĩ trong và ngoài nước.

Theo đề án, khi kết thúc khóa đào tạo mà người được cử đi học không về công tác ở cơ quan được bố trí hoặc không chấp hành quyết định phân công công tác; bỏ việc, thôi việc bị kỷ luật khi chưa thực hiện đủ thời gian cam kết, phải đền bù gấp đôi kinh phí được hỗ trợ.

Đề án nêu trên từng một thời gây xôn xao dư luận. Ý kiến khen cũng nhiều, cho rằng đó là đề án táo bạo, đột phá. Ý kiến chê cũng không ít, đánh giá đề án còn có những điểm thiếu thực tế, chưa phù hợp quy định pháp luật. Cơ quan hành chính đòi “phạt” gấp đôi số tiền đã bỏ ra để đào tạo nhân sự thì đòi hỏi này có phù hợp pháp luật hay không? Khi UBND tỉnh kiện đòi tiền cá nhân thì tòa tỉnh có phải chịu áp lực nào khi xử những vụ kiện như vậy hay không?

Đề án thành công hay thất bại, khi chưa có một bản báo cáo tổng kết cụ thể thì không thể vội đánh giá. Nhưng trước hết, với “lùm xùm” đã kéo dài nêu trên, đề án đã có một cái kết không tròn trịa. Từ kỳ vọng có các nhân tài đến thực tế “nhân tai” là như vậy. 

Đọc thêm