“Virus trì trệ”

(PLVN) - Covid-19 được đánh giá gây thiệt hại lớn đối với kinh tế toàn cầu, trước hết là Trung Quốc nhưng cũng được xem là cơ hội để nhiều quốc gia thay đổi để phát triển.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Để thoát khỏi Covid-19, theo đánh giá của nhiều nhà kinh tế thế giới, kinh tế Việt Nam vẫn là nước có nhiều lợi thế. Việt Nam cũng luôn được đánh giá cao trong ứng phó với dịch bệnh và với sự linh hoạt, chủ động chuyển hướng các đánh giá đều tin rằng Việt Nam đang có cơ hội thay đổi và phát triển.

Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ chiều 17/2 với Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do Covid-19 gây ra, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu tiếp tục đề cao cảnh giác với dịch bệnh nhưng phải bình tĩnh để đảm bảo cuộc sống bình thường, lo làm ăn kinh tế, giữ vững ổn định xã hội của đất nước.

“Việt Nam không chỉ là điểm đến an toàn vì nỗ lực phòng chống dịch rất hiệu quả mà còn vì an toàn một cách tự nhiên nhờ vào các điều kiện. Thời tiết sớm ấm áp trên cả nước, thời tiết ở miền Trung, miền Nam hiện nay rất thuận lợi.

Các bãi biển nắng ấm, không khí rất tốt, khách du lịch đến Việt Nam không chỉ để cảm nhận an toàn mà để khỏe mạnh hơn, có những trải nghiệm thú vị. Tôi xin nhấn mạnh với toàn xã hội ở đây không chỉ là du khách mà cả với nhà đầu tư, Việt Nam là môi trường kinh doanh, môi trường sống an toàn, hấp dẫn có nhiều tiềm năng”, Thủ tướng khẳng định.

Có thể nói, dịch bệnh do Covid-19 gây ra không chỉ thách thức mà còn là cơ hội để chứng minh năng lực ứng phó, bản lĩnh chuyển đổi để tìm ra cơ hội phục hồi sau dịch bệnh của từng quốc gia, từng Chính phủ, từng lĩnh vực, từng doanh nhân và mỗi con người.

Hiện Việt Nam có 16 trường hợp nhiễm Covid-19, đã chữa khỏi 11, còn 3 ca đang điều trị cách ly. Công tác phòng chống, chữa trị, đưa công dân về nước được thế giới và người dân đánh giá là ưu việt. Việt Nam là nước thứ 4 nghiên cứu thành công cách điều trị, xét nghiệm nhanh.

Trong “bão” Covid-19, không ít ngành, doanh nghiệp vượt qua khó khăn do dịch bệnh gây ra. Vận tải hàng hóa bằng đường biển trong điều kiện đường bộ bị phong tỏa, vấn đề nông sản, hàng hóa ứ đọng đã được giải quyết căn bản. Nhiều doanh nghiệp đã có cách làm sáng tạo để khôi phục xuất khẩu, nhập khẩu, sản xuất dịch vụ bình thường trong bối cảnh dịch bệnh.

Bên cạnh đó, “sức ì” vẫn còn không nhỏ. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh: “Chúng ta phải chống cả 2 loại virus, một là virus Corona và một loại virus nữa là “virus trì trệ”, không chịu làm việc, lấy lý do dịch bệnh nên không hành động, ảnh hưởng lớn đến kinh tế - xã hội của đất nước”.

Do đó, cùng với việc quyết liệt phòng chống dịch Covid-19, rất cần sự quyết liệt chống lại “văn hóa không nhúc nhích” của “virus trì trệ”, những ai không muốn làm dứt khoát phải mời họ đứng sang một bên.

Đọc thêm