“Vung tròn mà đậy nồi méo”

(PLVN) - Do dịch Covid-19 nên đã lâu không đến chơi nhà anh chị, mới đây tôi mới có dịp ghé thăm. Anh chị tỏ ra vui mừng, vồn vã nhưng tôi nhận ra có gì gượng gạo ở họ, chuyện trò cũng nhàn nhạt làm sao đó. 
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Tôi cáo từ ra về, chị giữ lại mời ăn cơm với vẻ chiếu lệ, anh dứt khoát đứng lên bảo ra quán uống bia. Khi còn hai người với nhau trước cốc bia, anh mở đầu với tôi là “chán không chịu được” rồi kể về tình cảnh của vợ chồng họ.

Vợ chồng họ vốn sống hòa thuận, con cái ngoan ngoãn, công việc ổn định, sống khá phong lưu. Vợ chồng mỗi người một công việc và cả nhà chỉ gặp nhau vào bữa tối hoặc ngày nghỉ. Dịp giãn cách xã hội vừa qua, vợ chồng đều ở nhà và anh chị mới “nhìn rõ ra nhau”. Bắt đầu bằng chuyện chị tích trữ quá nhiều lương thực, thực phẩm khiến anh không bằng lòng.

Bữa ăn quá nhiều thức ăn, gây thừa thãi và anh nhận ra rằng từ trước đến nay chị vẫn nấu nhiều như thế, anh cho là lãng phí khủng khiếp, không chỉ là gia đình mà còn hệ lụy đến xã hội. Anh đi đến một kết luận về chị: “Chưa ăn đã lo đói”, “No bụng, đói con mắt”, tàn dư của ý thức hệ “mâm cao, cỗ đầy”. Rồi cái bát ăn cơm nặng trịch, đôi đũa thô kệch, bát canh khổng lồ… cũng làm anh khó chịu, anh thích ẩm thực và các thứ đi kèm với nó phải tinh tế, đã nhiều lần nói nhưng chị không nghe.

Mới đây, chị theo phong trào trồng phong lan và vườn rau gia đình trên sân thượng biến mất, treo toàn phong lan, rồi các giò lan lấn sang giá phơi quần áo, bếp trở thành chỗ ươm “ky”, hành lang cũng vậy, thỉnh thoảng anh va đầu vào các khúc gỗ treo lan đau điếng, buột mồm văng tục, chị bảo “người đâu mà cục súc”.

Nhân chuyện này anh mới nhớ ra là chị thường chạy theo phong trào, khi người ta trồng rau thủy canh thì chỗ nào cũng có rau và dây leo đủ thứ, khi “thời trang tự may tại nhà” xuất hiện thì chị sắm máy khâu, nhà tràn ngập bụi vải... Đó là chưa kể đến các phong trào đi bộ, tập dưỡng sinh, yoga... hay vẩy tay chữa bệnh chị đều hưởng ứng nhiệt tình  nhưng chỉ được một thời gian rồi bỏ.

Còn chị nhận ra anh ăn nói cầm chừng, nhiều khi giả điếc, lười vận động, thích xem phim trên Netflix toàn thể loại bạo lực, 18+… còn những phim tình cảm, tâm lý Hàn Quốc hay đến thế nhưng anh chẳng bao giờ để mắt tới. Không cùng sở thích, hai vợ chồng chẳng có gì để chuyện trò với nhau, trừ những trao đổi thật cần thiết, không khí gia đình có vẻ nặng nề.

Anh kể ngay cả chuyện ngủ cũng có vấn đề. Chị lên giường là ngủ, còn anh theo thói quen phải đọc cái gì đó trên giường, chị bắt anh tắt đèn, ánh sáng màn hình của điện thoại, iPad chị cũng không chịu được. Cùng giường nhưng chị trải cái chiếu cá nhân lên đệm, chỗ chị nằm “cho mát”. Anh khó chịu. Điều đó cũng ảnh hưởng đến đời sống tình dục vợ chồng.

Đỉnh điểm của xung đột là chị nấu một món canh trong 3 bữa liền, bữa nào cũng một tô to hụ và bữa nào cũng phải đổ đi. Anh cáu bảo “cái tâm lý nông dân” trong chị không thể nào thay đổi được. Vốn là cô gái xuất thân từ nông thôn nên chị cho rằng anh xúc phạm nghiêm trọng đến gia đình chị và thế là họ giận nhau, không chung giường nữa.

Tôi bảo các sở thích của chị đều lành mạnh, có thể chấp nhận được, không gây hại gì. Anh bảo tôi bênh chị nên mới nói thế, ở đây, không còn là sở thích nữa mà là một độ vênh rất lớn về văn hóa giữa hai người. Vênh cái gì chứ vênh về nền tảng văn hóa khó mà hòa hợp lắm, như “vung tròn mà đậy nồi méo” vậy. Tôi chỉ biết cười trừ, còn sự lý giải thuyết phục xin dành cho độc giả. 

Đọc thêm