Xu nịnh cấp trên bị cấm nhưng thực hiện cách nào?

(PLO) - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa phê duyệt Đề án Văn hóa công vụ (Quyết định số 1847/QĐ-TTg ngày 27/12/2018). Mục tiêu của Đề án nhằm góp phần hình thành phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đồng thời đảm bảo tính chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả trong hoạt động thực thi nhiệm vụ, công vụ; đáp ứng nhu cầu phục vụ nhân dân, xã hội.
Hình minh họa
Hình minh họa

Trong Đề án đã được phê duyệt có nội dung: “Đối với lãnh đạo cấp trên, cán bộ, công chức, viên chức phải tuân thủ thứ bậc hành chính, phục tùng sự chỉ đạo, điều hành, phân công công việc của cấp trên; không trốn tránh, thoái thác nhiệm vụ, không nịnh bợ, lấy lòng vì động cơ không trong sáng” – mục 4, Điều 1.

Phải nói là, người Việt vốn thích nịnh và ưa được nịnh. Ở “mức độ” nào đó thì “nghịch nhĩ” khó nghe, “rót mật” dễ nghe. Chả thế mà trong văn hóa Việt có hẳn một “kho tàng” danh ngôn và tục ngữ ca dao về nịnh.

Nịnh bợ ngược với trung thực. Những minh quân có công trong lịch sử thường chọn và biết sử dụng “trung thần”, không chỉ trung thành mà còn có phẩm chất trung thực. Ngược lại, nịnh bợ bao giờ cũng hiểm nguy. Chả thế mà trong lịch sử phong kiến Việt Nam, triều đình nào cũng có chức quan Ngự sử, làm nhiệm vụ can gián – ngôn ngữ hiện đại bây giờ gọi là phản biện.

Có một câu chuyện có thật thế này: Trước đây, có một ông Bộ trưởng khi mới nhậm chức, ông hỏi/và trả lời trong lễ ra mắt điều hành rằng “Ông sợ nhất là thông tin không đúng sự thật”. Đúng thế, làm người điều hành, việc những người thân cận, cấp dưới báo cáo “tô vẽ”, nịnh bợ bao giờ cũng dễ gây ra “thảm họa”, dẫu ít, hay nhiều. Đáng tiếc, kẻ xu nịnh, vụ lợi đang có mặt khắp nơi, ngay trong mỗi người.

Do vậy, việc đưa nội dung, cán bộ, công chức, viên chức không được “nịnh bợ, lấy lòng” cấp trên là cần thiết, bởi đó là văn hóa, như tên gọi của Đề án. Nhưng sẽ thực hiện ra sao đây? Làm sao phân biệt được động cơ trong sáng hay không trong sáng? Nó định tính quá. Không có gì bảo đảm nội dung này thành hiện thực, bởi xây dựng văn hóa là “cuộc chiến đấu khổng lồ, chống lại những gì cũ kỹ, lạc hậu” như lúc sinh thời Bác Hồ nhận định.

Chúng ta đã và đang có nhiều kết quả trong ban hành văn bản. Tuy nhiên, những quy định “trên trời” không phải là ít. Số lượng văn bản có dấu hiệu trái luật phát hiện hàng năm vẫn tăng. Trong đó, báo chí và người dân đã góp phần không nhỏ vào việc phát hiện kịp thời những văn bản có dấu hiệu không phù hợp. Chính vì thế, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2019 hôm 8/1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục lưu ý xem xét xử lý các văn bản trái luật đưa ra khỏi hệ thống. Các dự án luật nhạy cảm, liên quan đến người dân phải tuyên truyền, giải thích rõ, sai là phải rút ngay.

Nghĩ rằng, văn bản ban hành phải khả thi. Nhiều nội dung mang tính chất “khuyến nghị” thì không nên đưa vào văn bản quy phạm pháp luật. 

Đọc thêm