Dịch Covid-19 tiếp tục làm quan hệ Mỹ - Trung thêm khúc mắc

(PLVN) - Dịch bệnh viêm phổi cấp do virus corona gây ra hiện là thách thức hàng đầu đối với thế giới. Mỹ và Trung Quốc cũng như vậy. Trong khi Trung Quốc đã tạm thời "thoát hiểm" thì Mỹ đang là tâm điểm của dịch bệnh. Tình hình này tiếp tục làm quan hệ Mỹ- Trung thêm khúc mắc...
Dịch Covid-19 tiếp tục làm quan hệ Mỹ - Trung thêm khúc mắc

Mỹ vẫn đang là tâm dịch với 331.519 ca nhiễm và 9.484 ca tử vong do COVID-19. Trong vòng 24h tính tới 6h sáng 6/4, nước Mỹ đã chứng kiến 1.032 người thiệt mạng vì virus SARS-CoV-2 và ghi nhận thêm tới 20.162 ca bệnh mới. Bang New York tiếp tục là ổ dịch nghiêm trọng. Tính đến cuối ngày 5/4 (theo giờ Bờ Đông), riêng New York đã ghi nhận 4.159 ca tử vong.

Chưa có nước nào trải qua tốc độ lây lan nhanh và tỷ lệ ca tử vong cao như Mỹ. Nhà Trắng cảnh báo mô hình dịch cho thấy trong 6-7 ngày tới, đỉnh dịch sẽ diễn ra tại thành phố New York, Detroit, New Orleans và nhiều vùng phụ cận của những thành phố này.

Dịch bệnh viêm phổi cấp do virus corona gây ra hiện là thách thức hàng đầu đối với thế giới. Mỹ và Trung Quốc cũng như vậy. Dịch bệnh này bùng phát ở Trung Quốc và hiện Trung Quốc có thể được coi như là đã qua được thời kỳ khó khăn nhất, cho dù vẫn chưa đẩy lùi được dịch bệnh trong khi Mỹ đã trở thành tâm điểm mới của diễn biến dịch bệnh. Mức độ hoành hành của dịch bệnh ở Mỹ đã bỏ xa Trung Quốc. Cho dù phải dành ưu tiên chính sách hàng đầu vào việc ứng phó dịch bệnh, hai đối tác này vẫn tiếp tục hục hoặc nhau.

Cuộc xung khắc thương mại giữa hai bên hiện lắng xuống rõ rệt, phần vì hai bên đã đạt được thoả thuận cho giai đoạn đầu, phần vì dịch bệnh đã làm cho cả việc tiếp tục xung khắc lẫn việc đàm phán để xử lý xung khắc thương mại song phương không còn là mối quan tâm hàng đầu. Nhưng mối quan hệ song phương này trong thời gian qua lại thêm khúc mắc mới mà nguyên do là dịch bệnh và Đài Loan.

Vì dịch bệnh này mà giữa Mỹ và Trung Quốc bùng phát cuộc chiến về truyền thông, việc lên tiếng quy trách nhiệm cho nhau. Đầu tiên là việc Trung Quốc trục xuất những phóng viên, nhà báo Mỹ hoạt động báo chí và truyền thông ở Trung Quốc đưa tin về dịch bệnh, tình hình diễn biến của dịch bệnh và cách thức đối phó của Trung Quốc khiến nước này không hài lòng.

Phía Mỹ phản ứng bằng việc gây khó khăn trên nhiều phương diện cho những báo chí và hãng truyền thông của Trung Quốc ở Mỹ. Sau đấy là việc hai bên đổ trách nhiệm cho nhau về gây ra dịch bệnh này. Phía Mỹ cáo buộc Trung Quốc đã để gây ra dịch bệnh, bưng bít thông tin và ứng phó không hiệu quả khiến cho dịch bệnh lây lan ra khắp thế giới và làm Mỹ bị vạ lây.

Phía Mỹ còn có những động thái khiến Trung Quốc “tức giận” như gọi virus corona là “Virus Trung Quốc” hoặc “Virus Vũ Hán”. Trung Quốc đã dùng đến cả thuyết âm mưu để phản kích Mỹ khi cho rằng quân đội Mỹ đã đưa virus corona đến Trung Quốc. Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuy có điện đàm với nhau, nhưng mối bất hòa này vẫn không thuyên giảm.

Trong bối cảnh tình hình ấy, việc ông Trump ký ban hành bộ luật mới của Mỹ về Đài Loan (Trung Quốc) khiến cho mối quan hệ song phương này càng thêm khúc mắc. Bộ luật mới này có tên gọi là TAIPEI Act. Taipei là tên tiếng Anh của Đài Bắc, nhưng ở đây là viết tắt của Taiwan Allies International Protection and Enhancement Act, tạm dịch là Luật về bảo vệ quốc tế và làm vững mạnh đồng minh Đài Loan.

Có thể thấy ngay được ở tên gọi này là Mỹ tiếp tục coi Đài Loan là đồng minh và khẳng định cam kết bảo vệ Đài Loan. Thông điệp của Mỹ ở đây rõ ràng là Trung Quốc muốn làm gì với Đài Loan thì phải lưu ý đến lợi ích và cam kết của Mỹ. Qua đó, Mỹ cũng muốn cho Trung Quốc thấy là chừng nào Mỹ còn duy trì mối quan hệ đồng minh đặc biệt này với Đài Loan thì chừng đó Trung Quốc không thể thu phục được Đài Loan bằng biện pháp quân sự.

Trên danh nghĩa, Mỹ không có quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan, nhưng ngay từ năm 1979, Mỹ đã có luật về bảo vệ an ninh cho Đài Loan. Từ khi ông Trump lên cầm quyền ở Mỹ, mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc luôn ở trong tình trạng nghịch lý là mối quan hệ cá nhân giữa ông Trump và ông Tập Cận Bình tỏ ra rất ổn nhưng quan hệ song phương thì trắc trở hơn trước.

Thoả thuận đạt được trên phương diện này thì lại ngừa bùng phát khúc mắc trên phương diện khác. Xung khắc nhau thật đấy nhưng lại luôn bất ngờ có thể lại đạt được thoả hiệp với nhau. Ông Trump hiện phải gồng mình đối phó dịch bệnh ở nước Mỹ.

Nếu không nhanh chóng xử lý ổn thoả được cuộc khủng hoảng bất ngờ này thì cơ may tái đắc cử trong cuộc bầu cử Tổng thống sắp tới ở Mỹ sẽ không được sáng sủa là mấy đối với ông Trump. Nếu như tới đây nước Mỹ có tổng thống khác thì rất có thể mối quan hệ song phương này sẽ diễn biến khác.