Dùng luật lấn lệ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Chuyện lễ tân ngoại giao trong chuyến công du Thổ Nhĩ Kỳ mới rồi của Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel và Chủ tịch Uỷ ban châu Âu Ursula von der Leyen được dư luận để tâm đến còn nhiều hơn cả kết quả của sự kiện quan trọng này trong mối quan hệ giữa Liên minh châu Âu (EU) và Thổ Nhĩ Kỳ. 
Việc sắp xếp vị trí ngồi trong buổi tiếp chuyện đã dấy lên nhiều tranh cãi.
Việc sắp xếp vị trí ngồi trong buổi tiếp chuyện đã dấy lên nhiều tranh cãi.

Chuyện chỉ là khi tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tiếp chuyện hai người này thì chỉ kê có đúng một ghế dành cho phía EU ngang hàng với ông Erdogan và người còn lại phải ngồiở ghế sofa dài đối diện với Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Michel ngồi vào chiếc ghếấy và bà Ursula von der Leyen phải ngồi ở sofa. Một số dân biểu trong Nghị viện châu Âu phẫn nộ cho rằng phía Thổ Nhĩ Kỳ không tôn trọng đúng mức địa vị quyền lực của bà Ursula và chủ ý làm nhục EU. Phía Thổ Nhĩ Kỳ biện bạch là bố trí lễ tân này theo đúng quy định của EU.

Trong EU đúng là có quy định pháp lý cụ thể thật về trật tự quyền lực giữa Chủ tịch Hội đồng châu Âu và Chủ tịch Uỷ ban châu Âu. Theo đó, chủ tịch Hội đồng châu Âu là đại diện cho các vị đứng đầu nhà nước và chính phủ của tất cả 27 thành viên EU bởi hội đồng này có các thành viên là những vị đứng đầu nhà nước và chính phủ các nước thành viên EU. 

Chủ tịch Uỷ ban châu Âu đứng đầu bộ máy cơ quan thừa hành của EU, sử dụng hơn 30.000 nhân công và quản lý chuyện tài chính chi tiêu của EU. Cách phân quyền này có thể được hiểu là chủ tịch Hội đồng châu Âu ở vị trí cao hơn Chủ tịch Uỷ ban châu Âu trong trật tự quyền lực của EU. Luật là như vậy và vì thế những biện bạch của phía Thổ Nhĩ Kỳ không hẳn bị sai. Ngay đến người tiền nhiệm của bà Ursula von der Leyen, ông Jean-Claude Juncker cũng xác nhận như thế.

Nhưng không biết tự bao giờ mà trong EU đã hình thành cái lệ đòi hỏi các đối tác của EU coi trọng Chủ tịch Uỷ ban châu Âu y hệt như Chủ tịch Hội đồng châu Âu. Một trong số những lý do thường được đưa ra để lý giải cho cái lệ này là Uỷ ban châu Âu nắm thực quyền và là cơ quan ở phía EU trực tiếp xử lý quan hệ hợp tác của EU với các đối tác bên ngoài. 

Cái lệ này hình thành và được củng cố theo thời gian cũng như được vận dụng thường xuyên trên thực tế đến mức được phía EU coi như đương nhiên và như luật mặc dù không phải là luật. Thời còn đương nhiệm, ngay đến chính ông Juncker cũng đã được hưởng lợi từ cái lệ này những khi cùng các vị lãnh đạo khác của EU công cán Thổ Nhĩ Kỳ và tiếp kiến ông Erdogan. Như thế cũng còn có nghĩa là chính ông Erdogan cũng hiểu biết rất rõ ràng và đầy đủ về cái luật và cái lệ này.

Nhưng trong chuyện vừa rồi, ông Erdogan đã dùng luật để lấn lệ mà nguyên do là cả nhu cầu đối nội lẫn đối ngoại. Về đối ngoại, mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với EU cũng như giữa cá nhân ông Erdogan với một số vị lãnh đạo EU và một số nước thành viên thời gian gần đây không được tốt đẹp. Ông Erdogan có nhiều chuyện không thể hài lòng với EU và vì thế chủ ý làm cho EU thấy Thổ Nhĩ Kỳ không phải yếu thếvà cảnh báo EU phải lưu ý thoả đáng đến những yêu cầu đòi hỏi của Thổ Nhĩ Kỳ chứ không thể muốn đối xử Thổ Nhĩ Kỳ như thế nào cũng được. 

Về đối nội, ông Erdogan không muốn để bà von der Leyen ngồi ngang hàng với mình bởi hai lý do. Thứ nhất, bản thân ông Erdogan vốn không mặn mà với việc thực hiện bình đẳng giới ở Thổ Nhĩ Kỳ vào đúng gian đoạn người này thúc đẩy mạnh mẽ quá trình Hồi giáo hoá Thổ Nhĩ Kỳ. Thứ hai, ông Erdogan vừa quyết định rút Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi Công ước Istanbul của Liên Hợp Quốc về bảo vệ các quyền của phụ nữ. Vì thế, một khi có thể dùng luật để lật được lệ thì phía Thổ Nhĩ Kỳ đâu có để cho bà von der Leyen được cùng cấp độ lễ tân ngoại giao như ông Michel.