Láng giềng căng thẳng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trong những ngày vừa qua, giữa Ukraine và Nga trở nên căng thẳng và đối đầu gia tăng khiến châu Âu phải lo ngại về khả năng lại xảy ra đụng độ quân sự và thậm chí cả chiến tranh giữa hai bên như đã từng xảy ra cách đây 7 năm. Tình trạng ấy là kết quả của hàng loạt diễn biến cả về chính trị lẫn quân sự có liên quan đến Nga và Ukraine, đến Mỹ, EU và NATO.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy (giữa) tại khu vực gần tiền tuyến với các tay súng ly khai ở vùng Donbass, hôm 8/4.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy (giữa) tại khu vực gần tiền tuyến với các tay súng ly khai ở vùng Donbass, hôm 8/4.

Ở bên trong Ukraine lại có đụng độ vũ trang giữa lực lượng ly khai tại vùng Dombass và quân đội Chính phủ Ukraine khiến đôi bên thiệt hại và Hiệp định ngừng chiến Minsk gần như không còn tác dụng. Phía Ukraine nhìn nhận việc phía Nga triển khai lực lượng lớn quân đội và vũ khí hạng nặng đến sát biên giới và trên bán đảo Crimea là sự chuẩn bị cho việc lại can thiệp quân sự trực tiếp vào tình hình nội chiến ở Ukraine, cụ thể là hậu thuẫn cho phe ly khai ở vùng Dombass. 

Đồng thời, chính quyền mới ở Mỹ không những chỉ tỏ ra cứng rắn và làm găng với Nga mà còn khẳng định ủng hộ Ukraine cũng như tuyên bố Crimea vẫn thuộc về Ukraine. Tân Tổng thống Mỹ Joe Biden có cuộc điện đàm với Tổng thống Ukraine Volodymir Selenskij khẳng định sự hậu thuẫn của phía Mỹ. Cả NATO và EU cũng lên tiếng ủng hộ Ukraine và đòi phía Nga rút binh lính và vũ khí ra khỏi vùng biên giới với Ukraine cũng như ra khỏi bán đảo Crimea.

Thậm chí NATO cũng còn cử đại diện tới Ukraine trong khi ông Selenskij hối thúc NATO thu nạp Ukraine. Việc ông Biden khi trả lời phỏng vấn giới truyền thông ở Mỹ từng chỉ trích Tổng thống Nga Vladimir Putin đủ để thấy mối quan hệ giữa Mỹ và Nga hiện rất tồi tệ và khó có được triển vọng cải thiện.

Câu hỏi được đặt ra là liệu có xảy ra kịch bản như đã từng xảy ra cách đây 7 năm giữa Ukraine và Nga hay không? Khi ấy, từ chính biến ở bên trong Ukraine mà rồi bùng phát chuyện mấy vùng lãnh thổ ở miền Đông Ukraine ly khai, giao tranh quân sự với quân đội Chính phủ Ukraine và Nga can thiệp quân sự. Kết quả là Crimea gia nhập Liên bang Nga và hai nhà nước cộng hoà ly khai tự thành lập ở Ukraine. 

Hiện tại, ở vùng Dombass ly khai có khoảng 440.000 người được cấp hộ chiếu Nga và bảo hộ số công dân này có thể trở thành lý do mà phía Nga cho rằng chính đáng và hợp pháp để lại can thiệp quân sự vào diễn biến tình hình ở khu vực ấy của Ukraine như cách đây 7 năm. 

Mọi khả năng diễn biến đều không thể bị loại trừ. Tuy nhiên, nhiều khả năng sẽ không xảy ra kịch bản xưa ấy. Sau khi tiếp nhận Crimea hồi năm 2014, Nga bị Mỹ, EU, NATO và đồng minh áp dụng nhiều biện pháp để kiềm chế. Việc hòa nhập Crimea vào Liên bang Nga tuy đã hoàn tất về pháp lý và chính trị nhưng vẫn còn là gánh nặng lớn đối với Nga về kinh tế và tài chính. 

Những động thái mới nói trên sẽ còn dai dẳng và còn gia tăng mức độ gay cấn nhưng sẽ khó dẫn đến chiến tranh bởi cả hai phía đều chủ dùng căng thẳng nhằm lợi ích riêng chứ không chủ ý xô đẩy nhau vào chiến tranh. Ông Selenskij vốn đã cam kết khi tranh cử Tổng thống là chấm dứt nội chiến và ly khai cũng như xử lý lại mối quan hệ của Ukraine với Nga. Cả hai việc này hiện đều vẫn chưa đâu vào đâu đối với ông Selenskij vì thế ông này cần tập trung nhu cầu đối nội. Ngoài ra, căng thẳng với Nga có thể giúp ông Selenskij tranh thủ được sự hậu thuẫn của Mỹ, EU và NATO. 

Nga tận dụng thực trạng để gia tăng áp lực đối với Mỹ, EU và NATO nhằm buộc các bên này nhượng bộ nhiều hơn trong đàm phán về giải pháp chính trị hòa bình cho vấn đề Ukraine, đồng thời còn có thể làm phép thử đối với chính quyền mới ở Mỹ nhằm xác định còn có thể “lấn tới” đến đâu và Mỹ sẽ hậu thuẫn Ukraine đến mức nào, cũng như sẽ phối hợp hành động với EU và NATO ra sao.