Luật một đằng, lệ một nẻo giữa kỳ đại dịch

(PLVN) - Không phải chỉ có người bên ngoài nhận xét mà ngay cả Liên minh châu Âu (EU) giờ cũng thấy rằng dịch bệnh viêm phổi cấp do virus corona gây ra hiện đang là thách lức lớn nhất và ghê gớm nhất đối kể từ trước đến nay.
EU cũng phải bấn loạn vì đại dịch Covid-19
EU cũng phải bấn loạn vì đại dịch Covid-19

Dịch bệnh đã đẩy EU nói chung và các nước thành viên vào một cuộc khủng hoảng mà họ chưa biết thoát ra bằng cách nào. Dịch bệnh hoành hành tạo nên tình huống đặc thù và vì thế luật và lệ được vận dụng rất khác thường.

Hiện tại, EU đã đóng cửa biên giới bên ngoài và nhiều thành viên EU đã đóng cửa biên giới quốc gia. Trong EU đã có nước thành viên cấm hoặc hạn chế xuất khẩu một số mặt hàng nhất định. Không khó gì để nhận thấy các nước thành viên EU hiện mạnh ai nấy tự lo liệu để đối phó với dịch bệnh chứ không hề tham vấn hay phối hợp hành động với nhau.

Dịch bệnh đe dọa tất cả nhưng EU không có đối sách chung ngoài quyết định dành ra một khoản tiền lớn để trợ giúp các nước thành viên và Ngân hàng Trung ương châu Âu cũng chi ra khoản tiền lớn để hậu thuẫn các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng bởi dịch bệnh không bị phá sản.

Trong EU, các nước thành viên không chỉ có thoả thuận chính trị với nhau mà còn có luật pháp chung và thể chế chung mà tất cả các thành viên đều phải tuân thủ, không thể tự ý thay đổi và được đặt lên trên hiệu lực của luật pháp quốc gia. Thị trường nội địa chung, Hiệp ước Schengen hay hệ thống tòa án chung là những bằng chứng điển hình nhất và thuyết phục nhất.

Theo những luật pháp ấy, nếu thành viên nào không tuân thủ đầy đủ và nghiêm túc thì EU sẽ vận hành những quy trình và cơ chế để xử lý. Thời bình thường thì mọi chuyện không có vấn đề gì, các thành viên tuân thủ luật pháp chung và quy định chế tài cho trường hợp vi phạm có hiệu ứng răn đe rất cao.

Nhưng thời dịch bệnh hoành hành thì những luật pháp bình thường kia đâu có hiệu lực như bình thường nữa. Một khi các thành viên EU cấm hoặc hạn chế xuất khẩu nước tẩy trùng y tế hay khẩu trang sang các nước thành viên khác và đóng cửa biên giới quốc gia thì EU đâu có còn thị trường nội địa chung như lâu nay nữa. Hình ảnh đặc trưng cho Hiệp ước Schengen là “châu Âu không biên giới”.

Nhưng khi các nước thành viên EU đóng cửa biên giới với nhau thì cả tinh thần và lời văn của hiệp ước kia chỉ còn tồn tại trên giấy. EU lại “pháo đài hoá quốc gia”, lại biệt lập và co cụm cục bộ. Luật chung cho phép các quốc gia thành viên áp dụng luật riêng trong những tình huống đặc biệt, nhưng trước đấy phải tham vấn lẫn nhau, thông tin cho nhau, thống nhất quan điểm và phối hợp hành động.

Có điều, cái lệ ở đây là mạnh ai nấy làm. Ở thời dịch bệnh, luật chung của liên minh bị cái lệ kia chi phối. Các nước thành viên EU cần rất nhiều năm để có được quy định pháp lý chung, vậy mà chỉ một con virus đã chứng tỏ có khả năng huỷ hoại đáng kể những thành tựu có ý nghĩa lịch sử ấy của EU.

Muốn thể chế hóa và thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình hợp tác, liên kết và nhất thể hóa châu lục, EU không thể không “nhất thể hóa luật pháp”, tức là không thể không tăng cường lập pháp chung. Nhưng luật pháp chung lại chỉ có được sức đề kháng rất hạn chế trước những cái lệ riêng ngay lập tức phát tác trong những tình huống đặc biệt như hiện tại.

Cái lệ ở đây là cho dù Liên minh có phát triển thành công đến mấy thì nhà nước quốc gia với những lợi ích riêng vẫn chiếm giữ vai trò quyết định lệ nào được vận dung và luật chung nào bị vô hiệu hoá trong những tình huống đặc thù như hiện tại. Chuyện luật và lệ đang hỗn chiến ở EU trên nhiều phương diện đưa lại những nhận thức và đúc kết rất hữu ích cho tất cả những tổ chức hợp tác, liên kết và nhất thể hoá khu vực, châu lục khác trên thế giới.