Nguồn cơn cựu Tổng thống Pakistan Pervez Musharraf bị kết án tử hình

(PLVN) - Việc cựu Tổng thống Pervez Musharraf bị kết án tử hình vắng mặt vì tội phản quốc đánh dấu lần đầu tiên trong lịch sử Pakistan có một cựu lãnh đạo quân đội và là người lãnh đạo nước này phản nhận án tử. Bản án đánh dấu bước thăng trầm mới trong cuộc đời nhiều biến động của ông Musharraf.
Tổng thống Pervez Musharraf vã mồ hôi khi hầu tòa
Tổng thống Pervez Musharraf vã mồ hôi khi hầu tòa

Tướng quân đội trở thành Tổng thống

Ông Pervez Musharraf sinh năm 1943 tại New Delhi. Sau khi Tiểu lục địa Ấn Độ tách thành Ấn Độ và Pakistan ngày nay, gia đình ông đã cùng hàng triệu người rời miền Bắc Ấn Độ để tới Pakistan. Là con trai của một nhà ngoại giao nhưng ông Musharraf lại không kế nghiệp cha. Thay vào đó, ông lại chọn theo binh nghiệp.

Ông gia nhập quân đội Pakistan năm 1964, sau khi tốt nghiệp Học viện quân sự Pakistan. Musharraf từng tham gia các cuộc chiến tranh năm 1965 và 1971 với Ấn Độ. Năm 1991, ông ta được phong làm Thiếu tướng và đến năm 1998 thì được bổ nhiệm làm chỉ huy quân đội dưới quyền của Thủ tướng Pakistan lúc bấy giờ là Nawaz Sharif.

Việc ông Musharraf được bổ nhiệm làm người đứng đầu quân đội Pakistan diễn ra vào thời điểm sự ủng hộ của người dân dành cho Thủ tướng Sharif đang ở mức thấp do suy thoái kinh tế và những cải cách gây tranh cãi. Thêm vào đó, Pakistan cũng vừa thất bại trong việc chiếm giữ lãnh thổ ở Kashmir.

Chính vì vậy, ông Sharif đã quyết định “chơi một canh bạc” khi đưa ông Musharraf lên làm lãnh đạo của nhiều tướng lĩnh cấp cao hơn nhằm tìm cách kiểm soát quân đội. Thời gian đầu, quan hệ giữa 2 người khá tốt. Tháng 5/1998, Pakistan có tên trên bản đồ hạt nhân thế giới khi ông Musharraf và Thủ tướng Sharif chủ trì các vụ thử hạt nhân của nước này.

Tuy nhiên, 1 năm sau đó, mối quan hệ giữa 2 người trở nên căng thẳng. Ông Sharif đã tìm cách sa thải ông Musharraf sau khi đội quân do ông Musharraf lãnh đạo thực hiện cuộc tấn công nhằm giành khu vực Kashmir do Ấn Độ kiểm soát nhưng không thành.

Khi đang trên đường trở về nước từ chuyến thăm chính thức Sri Lanka, ông Musharraf nhận được tin báo về việc này và quyết định hành động trước. Với sự hậu thuẫn của quân đội, ngay khi hạ cánh xuống sân bay, ông Musharraf đã ra lệnh cho quân đội kiểm soát các tổ chức nhà nước và lấy tư cách là “lãnh đạo điều hành” Pakistan để tuyên bố tình trạng khẩn cấp.

Khi ông Sharif bị lật đổ, nhiều người Pakistan đã ăn mừng vì sự kết thúc của một chính quyền bị cho là đã gây suy kiệt nền kinh tế. Song, việc tước bỏ quyền lực của Thủ tướng Nawaz Sharif vẫn bị coi là một hành động “phản dân chủ”.

Tổng thống Pervez Musharraf nguyên là một tướng quân đội

Tổng thống Pervez Musharraf nguyên là một tướng quân đội

Ông Musharraf giữ cương vị lãnh đạo điều hành của Pakistan đến khi nước này tổ chức tổng tuyển cử vào năm 2002. Sau cuộc bầu cử này, ông ta danh chính ngôn thuận trở thành Tổng thống Pakistan với nhiệm kỳ 5 năm.

Trên cương vị lãnh đạo đất nước, ông Musharraf đã đạt được một số thành tựu được nhiều người đánh giá cao, như đưa nền kinh tế đất nước ổn định và tăng trưởng trở lại. Pakistan dưới thời ông Musharraf cũng đã trở thành cánh tay phải của Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố, tích cực tham gia các chiến dịch chống lại tổ chức khủng bố quốc tế Al-Qaeda hay nhóm nổi dậy Taliban.

Cũng chính vì vậy mà trong 9 năm cầm quyền, ông Musharraf đã ít nhất 3 lần bị al Qaeda ám sát hụt. Vì việc này, ông còn phải khéo léo tìm cách cân bằng giữa áp lực trấn áp chủ nghĩa cực đoan ở Pakistan từ Mỹ và yêu cầu từ khu vực Hồi giáo ngày càng có tiếng nói và có quan điểm chống Mỹ.

Thời gian nắm quyền của Tướng Musharraf cũng được đánh dấu bằng các cuộc đấu tranh với tư pháp, bao gồm các tranh chấp kéo dài về mong muốn được giữ quyền lãnh đạo quân đội trong khi đồng thời làm tổng thống của ông ta. Tuy nhiên, về sau, ông ta quyết định bổ nhiệm một người thân tín vào vị trí Tư lệnh quân đội. Nhắc đến ông này, nhiều người nhớ đến việc ông nghiện xì gà và thích uống rượu whisky.

Nguồn cơn rắc rối

Thách thức nghiêm trọng đối với nhiệm kỳ của ông Musharraf diễn ra vào tháng 3/2007, khi ông quyết định sa thải Chánh án Tòa án Tối cao Iftikhar Muhammad Chaudhry và nhiều lãnh đạo đối lập, làm dấy lên các cuộc biểu tình trên toàn quốc và nhiều tháng hỗn loạn.

Để đối phó với tình trạng này, ông Musharraf đã ban bố tình trạng khẩn cấp, đình chỉ Hiến pháp, thực hiện thiết quân luật - lý do chính khiến ông về sau bị buộc tội vi hiến và phản quốc. Tháng 12/2007, Thủ tướng Benazir Bhutto bị ám sát. Vụ việc càng khiến ông Musharraf mất điểm khi bị cáo buộc không đảm bảo an ninh cho nữ Thủ tướng. Những việc này chính là nguyên nhân khiến Tổng thống Pakistan và đảng của ông thất bại trong một cuộc bầu cử được tổ chức vào tháng 2/2008.

Ông đã lâm bệnh khi bị tòa kết án tử
Ông đã lâm bệnh khi bị tòa kết án tử 

Tháng 8/2008, ông Musharraf buộc phải từ chức nhằm tránh nguy cơ bị liên minh cầm quyền mới luận tội. Kể từ đó, ông ta phải sống lưu vong. Năm 2013, Musharraf trở lại Pakistan trong một nỗ lực tranh cử nhưng bị cấm tham gia các cuộc bỏ phiếu.

Không những vậy, ông Nawaz Sharif còn trở lại làm Thủ tướng Pakistan, đánh dấu việc khởi động tiến trình tố tụng ông Musharraf vì tội phản quốc. Ông Musharraf đã bị bắt, phải chịu quản thúc tại gia và nhiều lần ra hầu tòa về cáo buộc phản quốc và nghi án có liên quan đến vụ ám sát bà Bhutto. Ở một đất nước mà quân đội có tiếng nói quan trọng, Chính phủ Pakistan đã quyết định thành lập một tòa án đặc biệt để xét xử ông Musharraf.

Về phần oong Nawaz Sharif, ông này giữ kỷ lục 3 lần trở thành Thủ tướng Pakistan nhưng ông này chưa một lần hoàn tất nhiệm kỳ 5 năm. Năm 2017, ông đã bị Tòa án Tối cao Pakistan phế truất liên quan đến cáo buộc tham nhũng vốn bị phanh phui sau vụ rò rỉ Hồ sơ Panama.

Quyết định của Tòa án Tối cao Pakistan được đưa ra sau một cuộc điều tra kéo dài 2 tháng về cáo buộc cho rằng gia đình ông Sharif không thể giải thích được về số tài sản “khủng” của họ.

Việc ông Sharif bị phế truất khi chỉ còn gần 1 năm nữa là kết thúc nhiệm kỳ kéo dài “dớp” không Thủ tướng nào hoàn thành trọn vẹn nhiệm kỳ 5 năm trong suốt lịch sử hình thành và phát triển kể từ khi nhà nước Pakistan hiện đại được thành lập vào năm 1947.

Song, trong suốt thời gian xét xử vụ việc, ông này chỉ xuất hiện vài lần. Năm 2014, khi đang trên đường đến tòa án, ông Musharraf đã được đưa tới bệnh viện vì gặp phải “vấn đề về tim”.

Đến tháng 3/2016, sau khi được Tòa án Tối cao đưa ra khỏi danh sách những người bị cấm rời khỏi đất nước, ông ta đến Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) để chữa bệnh và sống ở Dubai cho đến nay. Sau nhiều lần không trình diện tại tòa án, ông Musharraf đã bị Pakistan phát lệnh truy nã.

Sau hơn 6 năm, đến ngày 17/12, Hội đồng tòa án đặc biệt của Pakistan đã tuyên án tử hình vắng mặt đối với vị cựu Tổng thống về tội phản quốc, đánh dấu lần đầu tiên trong lịch sử Pakistan có một cựu lãnh đạo quân đội và là người lãnh đạo nước này phải nhận bản án cao nhất.

Ông Salman Nadeem (một quan chức chính phủ Pakistan) cho hay, ông Pervez Musharraf bị kết tội theo Điều 6 vì đã vi phạm Hiến pháp Pakistan. Giới quan sát cho rằng, bản án tử hình đối với ông Musharraf sẽ khó có thể được được thực thi bởi ông có rất ít khả năng trở lại Pakistan.

Hiện, sức khỏe của ông Musharraf đã khá yếu. Trong khi đó, Pakistan và UAE không có hiệp ước dẫn độ. UAE cũng được cho là sẽ không bắt giữ cựu Thủ tướng Pakistan.

Dù phải nhận bản án cao nhất nhưng ông Musharraf dường như vẫn có một chỗ đứng quan trọng trong xã hội Pakistan, đặc biệt với giới quân đội nước này. Sau khi bản án đối với ông được đưa ra, cơ quan báo chí của lực lượng quân đội Pakistan đã lên tiếng khẳng định ông Musharraf “chắc chắn không bao giờ là một kẻ phản bội”, phản đối bản án mà họ cho là thiếu công lý. Hàng loạt cuộc biểu tình cũng đã nổ ra ở một số nơi nhằm phản đối bản án với vị cựu Tổng thống.