Nhiều băn khoăn quanh đề xuất ngân sách mới của Mỹ

(PLVN) - Tổng thống Mỹ Donald Trump trong tuần qua đã công bố đề xuất gói ngân sách trị giá 4,8 ngàn tỷ USD cho năm tài khóa 2021. Đưa ra việc cắt giảm mạnh các khoản chi trong nước, đề xuất ngân sách này dự kiến sẽ vấp phải sự phản đối của nhiều nghị sĩ Mỹ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ký quyết định chi ngân sách cho quốc phòng năm 2019
Tổng thống Mỹ Donald Trump ký quyết định chi ngân sách cho quốc phòng năm 2019

Kế hoạch cắt giảm mạnh tay

Các thông tin cho hay, theo đề xuất mới, ngân sách cho chi tiêu quốc phòng của Mỹ trong năm tài khóa 2021 (bắt đầu từ tháng 10/2020) sẽ tăng 0,3%, lên thành 740,5 tỷ USD. Khoản chi cho ngân sách phi quốc phòng là 590 tỷ USD và 3,5 nghìn tỷ USD là để chi cho các khoản chi tiêu an sinh xã hội, bảo hiểm y tế và các khoản chi tiêu  khác. Trong khi đó, khoản viện trợ nước ngoài của Mỹ được đề xuất giảm từ 55,7 tỷ USD trong năm tài khóa 2020 xuống còn 44,1 tỷ USD cho năm tới.

Gói đề xuất này cũng vạch ra khả năng tiết kiệm những khoản chi cho các chương trình an sinh xã hội, bao gồm 130 tỷ USD cho chương trình bảo hiểm Medicare thông qua cải cách giá thuốc, 292 tỷ USD cho tem phiếu thực phẩm và các chương trình Medicaid bằng cách ban hành các quy định yêu cầu công việc mới cho những người thụ hưởng và 70 tỷ USD thông qua việc kiểm soát điều kiện nhận trợ cấp khuyết tật liên bang.

Theo đề xuất gói ngân sách của Mỹ, ngân sách chi cho Bộ Thương mại Mỹ trong năm tài khóa 2021 sẽ giảm 37%, Cơ quan Bảo vệ Môi trường giảm 26%, Bộ Phát triển Nhà và Đô thị 15%, Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh 9%. Trong khi đó, ngân sách chi tiêu của các Bộ Giáo dục, Nông nghiệp và Năng lượng Mỹ đều cũng bị đề nghị cắt giảm 8%. Khoản đề nghị cắt giảm với ngân sách của Bộ Ngoại giao và viện trợ nước ngoài của Mỹ bị đề xuất giảm tới 21%, còn của Bộ Lao động giảm 11%. Với dự báo tăng trưởng kinh tế mạnh, đề xuất ngân sách của Mỹ dự đoán nguồn thu của chính phủ trong năm tài chính 2021 là khoảng 3.700 tỷ USD.

Tổng thống Trump khẳng định, với đề xuất ngân sách ngân sách này, ông sẽ đưa thâm hụt ngân sách của Mỹ về mức 0 trong thời gian không lâu. Các quan chức Mỹ cho biết, thâm hụt ngân sách của Mỹ dự báo sẽ giảm 4.600 tỷ USD trong 10 năm và giả định tăng trưởng kinh tế của nước này sẽ đạt tốc độ hàng năm khoảng 3% trong những năm tới. Nhà Trắng đề xuất cắt giảm chi tiêu 4.400 tỷ USD trong 10 năm và giảm thâm hụt 4.600 tỷ USD trong khoảng thời gian đó.

“Bản kế hoạch hướng tới việc cân bằng ngân sách trong vòng 15 năm với việc đề xuất giảm ngân sách thêm 4.600 tỷ, nhiều hơn bất cứ tổng thống nào trong lịch sử”, ông Russ Vought (Quyền Giám đốc văn phòng quản lý và Ngân sách của Nhà Trắng) cho hay.

Năm ngoái, ông Trump đã ký một thỏa thuận ngân sách kéo dài 2 năm với Quốc hội, theo đó tăng chi tiêu liên bang cho quốc phòng và một số chương trình trong nước khác, khiến khoản nợ của Chính phủ Mỹ tăng thêm. Quốc hội Mỹ đã thông qua 2.750 tỷ USD cho các khoản chi tiêu quốc phòng và phi quốc phòng mới cho đến ngày 30/9/2021. “Dưới thời của ông Trump, những khoản thâm hụt hàng ngàn tỷ USD mà chúng ta hiện có thể thấy, với tỷ lệ nợ theo tỷ lệ phần trăm của GDP hiện ở mức 81% và đang trên đà tăng lên 100% trong vòng 10 năm sẽ giảm xuống còn 261 tỷ USD vào năm 2030 và thặng dư vào năm 2035. Nợ nần công theo % GDP sẽ giảm xuống 66% vào cuối giai đoạn cửa sổ 10 năm”, ông Vought nói về đề xuất ngân sách năm 2021.

Tăng chi quốc phòng

Về khoản chi cho quốc phòng, trong khoản ngân sách quốc phòng 740,5 tỷ USD mà ông Trump đã gửi sang cho Quốc hội Mỹ có đề xuất tăng 18%, tương đương với việc tăng thêm 29 tỷ USD khoản tiền chi cho việc hiện đại hóa các loại vũ khí hạt nhân của Mỹ, đồng thời đẩy mạnh chi tiêu cho phát triển và nghiên cứu để chuẩn bị cho chiến tranh trong tương lai. Trong số đó, Mỹ dự kiến sẽ chi 2,8 tỷ USD để phát triển máy bay ném bom tầm xa B-21 Raider; 4,4 tỷ USD cho tàu ngầm lớp Columbia mang tên lửa đạn đạo và 1,5 tỷ USD cho việc thay thế khoảng 400 tên lửa đạn đạo liên lục địa Minuteman III.

Mỹ đầu tư hàng tỷ đô la mua máy bay, tên lửa đạn đạo
Mỹ đầu tư hàng tỷ đô la mua máy bay, tên lửa đạn đạo  

Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, trong năm tới, dự trù ngân sách để phát triển và thử nghiệm các loại vũ khí tối tân của Mỹ, bao gồm cả tên lửa siêu thanh, sẽ đạt con số kỷ lục là 3,2 tỷ USD, cao hơn 23% so với năm ngoái. Một trong những khoản chi phí tốn kém nhất của quân đội Mỹ trong năm tới là mua các trang thiết bị hàng không, dự kiến tiêu tốn ngân sách gần 57 tỷ USD, bao gồm mua 79 máy bay chiến đấu đa năng thế hệ thứ 5 F-35 Lightning II và 24 máy bay chiến đấu cất cánh từ tàu F/A-18EF Super Hornet.

Lo ngại khả năng ứng phó dịch bệnh

Đề xuất ngân sách năm 2021 của ông Trump cũng bao gồm việc cắt giảm 16% ngân sách dành cho Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), giảm 10% cho ngân sách cho Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ. Việc cắt giảm được đề xuất cũng bao gồm giảm 34% đối với các khoản tài trợ y tế toàn cầu do Bộ Ngoại giao và Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) quản lý và 7% đối với CDC. Ông Trump cũng đề xuất cắt giảm 58% số tiền tài trợ cho Quỹ toàn cầu chống AIDS, lao và sốt rét. Mức tài trợ của Mỹ cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng bị đề nghị giảm 50%. Mỹ hiện đóng góp khoảng 2,5% trong tổng ngân sách 4,8 tỷ USD của WHO. Ông Trump cũng đang đề xuất cắt giảm 65 triệu USD cho tổ chức này.

Ngược lại, ông Trump cũng đề xuất tăng tài trợ cho một số hoạt động y tế của Mỹ ở nước ngoài, ví dụ như việc tăng 50 triệu USD cho các hoạt động an ninh y tế toàn cầu của CDC và 15 triệu USD cho các chương trình An ninh y tế toàn cầu của USAID để ngăn chặn sự bùng phát của virus corona (Covid-19). Tuy nhiên, những đề xuất trên đã dẫn đến những ý kiến chỉ trích cho rằng việc này sẽ làm giảm khả năng ứng phó và ngăn ngừa đại dịch tại Mỹ. WHO mới đây kêu gọi đầu tư ngay lập tức 675 triệu USD để ngăn chặn dịch bệnh do virus corona gây ra.

Đề xuất ngân sách cuối cùng trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Mỹ Trump được cho là đã phần nào cho thấy các ưu tiên trong chính sách của ông trong năm đầu của nhiệm kỳ thứ 2 nếu như ông tái đắc cử, với khoản đề xuất 2 tỷ USD để chi cho việc xây dựng thêm bức tường biên giới giữa Mỹ và Mexico - một dự án đặc biệt đối với sự nghiệp chính trị mà từ lâu ông Trump thúc đẩy.

Đề xuất ngân sách này cũng bao gồm khoản tiền chi cho dự luật cơ sở về hạ tầng mà được xem là khó có thể được lưỡng đảng thông qua trong Quốc hội. Tuy nhiên, Reuters nhận định, đề xuất ngân sách mới được công bố nhiều khả năng sẽ vấp phải sự phản đối của các nghị sỹ Mỹ. Trong đó, Đảng Dân chủ dự kiến sẽ phản đối việc cắt giảm sâu các khoản chi tiêu trong nước, trong khi một số nghị sỹ của đảng Cộng hòa có thể bày tỏ lo ngại về khả năng nợ và thâm hụt ngân sách của Mỹ. Những đề xuất được cho là có thể sẽ đưa đến một cuộc chiến ngân sách với Hạ viện Mỹ do đảng Dân chủ kiểm soát vào cuối năm nay.