Những điều đặc biệt trong phiên Thượng viện Mỹ xét xử luận tội Tổng thống Donald Trump

(PLVN) - Chánh án Tòa án Tối cao Mỹ sẽ chủ tọa phiên xử luận tội một Tổng thống để tránh mâu thuẫn về lợi ích. Đây cũng là nhiệm vụ hiến định duy nhất của Chánh án Tòa án tối cao Mỹ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức bị luận tội
Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức bị luận tội

Kết quả không bất ngờ

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 18/12 (giờ Mỹ, 19/12 giờ Việt Nam) đã chính thức trở thành Tổng thống thứ 3 trong lịch sử Mỹ bị luận tội sau khi Hạ viện Mỹ thông qua 2 điều khoản luận tội ông, bao gồm lạm quyền và cản trở Quốc hội.

Điều khoản luận tội Tổng thống Trump lạm quyền đã được Hạ viện Mỹ thông qua với 230 phiếu thuận và 197 phiếu chống, còn điều khoản luận tội cản trở Quốc hội được viện này thông qua với 229 phiếu thuận và 198 phiếu chống. Việc thông qua các điều khoản luận tội này chủ yếu trên cơ sở đảng phái khi những nghị sĩ bỏ phiếu thông qua thuộc đảng Dân chủ đang nắm quyền kiểm soát Hạ viện.

Tổng thống Trump bị cáo buộc đã sử dụng quyền lực của cơ quan công quyền để mưu cầu lợi ích cá nhân không phù hợp, trong khi phớt lờ hoặc làm tổn hại lợi ích quốc gia bằng cách gây áp lực buộc Ukraine phải can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống năm 2020.
Cáo trạng lạm dụng quyền lực chống lại ông Trump cũng cáo buộc ông đã đóng băng gần 400 triệu USD tiền viện trợ an ninh của Mỹ cho Ukraine và đề nghị tổ chức một cuộc gặp tại Nhà Trắng để gây áp lực buộc Tổng thống Ukraine tiến hành điều tra ông Joe Biden và con trai ông là Hunter Biden.

Cũng theo điều khoản luận tội, khi bị phát hiện nỗ lực trên và Hạ viện Mỹ mở một cuộc điều tra luận tội, ông Trump đã nhất quyết và rõ ràng chống lại các thủ tục điều tra luận tội, qua đó cản trở Quốc hội. Điều khoản này được đưa ra dựa trên việc ông Trump đã chỉ thị các quan chức cấp cao đương nhiệm cũng như các cựu quan chức trong chính phủ của ông, như Ngoại trưởng Mike Pompeo, không hợp tác với cuộc điều tra luận tội.

Với việc Hạ viện Mỹ thông qua 2 điều khoản luận tội, ông Trump dự kiến sẽ đối mặt với phiên tòa tại Thượng viện Mỹ để xác định liệu ông có nên bị kết án và bị phế truất hay không. Phiên tòa dự kiến diễn ra khi Quốc hội Mỹ nhóm họp trở lại vào đầu tháng 1.

Theo quy định của luật pháp Mỹ, sau khi Hạ viện Mỹ thông qua các điều khoản luận tội, vụ việc này sẽ được chuyển sang Thượng viện. Tuy nhiên, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi vẫn chưa chính thức chuyển vụ việc sang Thượng viện và chưa chỉ định nhóm nghị sĩ đại diện bên công tố tại phiên xét xử ở Thượng viện. Đây được coi là một hình thức gây áp lực buộc các nghị sĩ đảng Cộng hòa đồng ý với yêu cầu của phe đảng Dân chủ về hình thức phiên tòa xét xử ông Trump.

Lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Thượng viện Mỹ Mitch McConnell cho biết, ngày 19/12, ông đã gặp thủ lĩnh phe Dân chủ tại Thượng viện Chuck Schumer nhưng 2 bên vẫn không thể đạt được một thỏa thuận đối với yêu cầu của ông Schumer về việc cho phép các nhân chứng điều trần trong phiên tòa luận tội. Trên Twitter, ông Trump tuyên bố muốn phiên xét xử tại Thượng viện diễn ra ngay lập tức.

Những điểm đặc biệt

Hiến pháp Mỹ nêu rõ Thượng viện là viện “duy nhất có quyền hạn xử án”, có nghĩa là đây là viện có độc quyền hiến định trong việc xét xử luận tội Tổng thống. Tuy nhiên, Hiến pháp Mỹ không có những điều khoản quy định rõ ràng về thủ tục xét xử luận tội một Tổng thống. Theo “Những quy định về thủ tục và thi hành tại Thượng viện khi xử luận tội” của Thượng viện Mỹ, một khi Hạ viện đưa lên những điều khoản luận tội, Thượng viện sẽ tiến hành xem xét những điều khoản này và sẽ tiếp tục xem xét trong phiên họp cho đến khi phán xét cuối cùng được đưa ra.

Có điều, Thượng viện điều hành các công việc theo những quy định do các thành viên Thượng viện đưa ra. Điều này có nghĩa là Thượng viện Mỹ cũng có thể thay đổi những quy định nếu đa số các thành viên chọn như vậy. Những quy định của Thượng viện Mỹ về các phiên xử luận tội được xét lại và thông qua lần gần đây nhất là vào năm 1986.

Phiên tòa luận tội Tổng thống Mỹ Bill Clinton trước đây
Phiên tòa luận tội Tổng thống Mỹ Bill Clinton trước đây

Theo Hiến pháp Mỹ, Phó Tổng thống Mỹ là Chủ tịch Thượng viện nước này và sẽ là người kế thừa chức vụ Tổng thống nếu Tổng thống bị phán xử có tội.

Phó Tổng thống Mỹ sẽ không chủ tọa phiên xử Tổng thống tại Thượng viện bởi việc này sẽ dẫn tới mâu thuẫn về lợi ích. Chủ tịch Thượng viện Mỹ cũng không có quyền bỏ phiếu cuộc phiếu của Thượng viện, trừ khi số lượng phiếu bầu bằng nhau.

Thay vào đó, Hiến pháp Mỹ quy định, Chánh án Tòa án Tối cao nước này chỉ chủ tọa khi phiên xử liên quan đến việc luận tội một Tổng thống. Đây chính là nhiệm vụ hiến định duy nhất của Chánh án Tòa án Tối cao Mỹ. Trong trường hợp của Tổng thống Trump, Chánh án Tòa án tối cao nước này John Roberts sẽ chủ tọa phiên tòa xét xử luận tội ông.

Theo những quy định, Chủ tịch Hạ viện sẽ chỉ định một số nghị sĩ ra trình bày vụ việc trước Thượng viện. Những người này sẽ đóng vai trò như các công tố viên. Trong vụ xử luận tội Tổng thống Andrew Johnson, có 7 người được Hạ viện ủy nhiệm.

Trong vụ xử Tổng thống Bill Clinton có 13 người được Hạ viện cử ra. Còn các Thượng nghị sĩ sẽ đóng vai trò là bồi thẩm. Họ có thể hỏi nhân chứng hay nêu lên những vấn đề trong phiên xử nhưng không được nói mà phải viết ra tất cả những câu hỏi và trình lên để Chánh án Tòa án tối cao xem xét.

Theo quy định, phiên tòa xét xử luận tội Tổng thống có thể có cả phần lấy lời khai từ các nhân chứng và một lịch trình kéo dài từ 6 ngày đến 6 tuần. Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mỹ McConnell cho hay Thượng viện Mỹ có thể phê duyệt một quy trình ngắn hơn bằng cách bỏ phiếu cho các điều khoản luận tội sau khi mở các cuộc tranh luận, không tiến hành lấy lời khai của các nhân chứng.

Tại phiên tòa đặc biệt này, Tổng thống Mỹ không có nghĩa vụ phải tham dự. Trước đây, Tổng thống Johnson và Tổng thống Clinton đều không tham dự phiên xử. Luật sư được phép đại diện và biện hộ cho Tổng thống. Nhóm pháp lý của Tổng thống sẽ trả lời các câu hỏi được đưa ra.

Dù đối mặt phiên tòa luận tội nhưng nguy cơ ông Trump bị truất phế đang được đánh giá là gần như bằng 0 bởi theo quy định, Tổng thống Mỹ sẽ chỉ bị phế truất nếu 2/3 trong tổng số 100 thượng nghị sĩ tại Thượng viện Mỹ bỏ phiếu chống lại ông trong khi các Thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa – đảng đang chiếm đa số tại Thượng viện không tỏ ý định làm vậy.

Việc phải cần đến đa số 2/3 để buộc tội Tổng thống là điều bắt buộc theo hiến pháp Mỹ bởi một hành vi chính trị như cách chức một Tổng thống dân cử cần phải được sự ủng hộ rộng rãi mới được xem là chính đáng. Với đa số 2/3, số phiếu thuận sẽ nhiều gấp đôi số phiếu chống.

Theo một theo cuộc thăm dò ý kiến trực tuyến trên toàn nước Mỹ do Reuters/Ipsos thực hiện chỉ vài giờ sau khi Hạ viện nước này biểu quyết nhất trí luận tội ông Trump, 53% những người tham gia khảo sát đồng ý rằng ông Trump lạm dụng quyền lực và 51% cho rằng ông có cản trở Quốc hội. Tuy nhiên, chỉ có 42% dân Mỹ cho rằng Tổng thống Donald Trump nên bị truất phế. 17% nói ông Trump nên bị khiển trách chính thức, 29% cho hay họ muốn các cáo buộc luận tội đối với ông Trump được hủy bỏ, số còn lại không có ý kiến. 44% công chúng Mỹ bày tỏ tán thành với cách Hạ viện xử lý việc luận tội nhưng cũng có tới 41% nói không đồng ý.