Những thay đổi sau khi nước Anh chính thức rời khỏi EU

(PLVN) - Đêm 31/1 (giờ châu Âu, sáng 1/2, giờ Việt Nam), nước Anh đã chính thức rời khỏi liên minh kinh tế lớn nhất thế giới EU sau 47 năm là thành viên.
Những thay đổi sau khi nước Anh chính thức rời khỏi EU

Ngày lịch sử

Ngày 29/1 vừa qua, với 621 phiếu thuận, 49 phiếu chống và 13 phiếu trắng, Nghị viện châu Âu tại phiên họp toàn thể diễn ra ở Brussels (Bỉ) đã thông qua thỏa thuận về việc Anh rời khỏi EU (Brexit). 1 ngày sau đó, ngày 30/1, Hội đồng châu Âu gồm 27 quốc gia thành viên đã chính thức ký vào bản thỏa thuận Brexit. Đây là bước phê chuẩn bằng văn bản chính thức cuối cùng trong các thủ tục để Anh rời khỏi EU vào ngày đã định.

Hội đồng châu Âu trong một tuyên bố ngắn gọn khẳng định thỏa thuận “ly hôn” giữa Anh và EU có hiệu lực vào lúc 23h GMT ngày 31/1 (tức 6h sáng 1/2 giờ Việt Nam). “Kể từ thời điểm đó trở về sau, Vương quốc Liên hiệp Anh sẽ không còn là một quốc gia thành viên EU”, tuyên bố nêu rõ.

Theo đúng lịch trình đã định, Anh chính thức rời khỏi EU vào đêm 31/1 (giờ Brussels). Phát biểu ngày 30/1, Thủ tướng Anh Boris Johnson nêu rõ Brexit không phải là sự chấm hết mà là một sự khởi đầu mới, đánh dấu thời điểm cho sự đổi mới và những hành động thay đổi đất nước. “Đây không phải là sự kết thúc, mà là một sự bắt đầu... một khoảnh khắc của đổi mới và thay đổi đất nước thực sự”, ông Johnson khẳng định.

Nhà lãnh đạo đảng Bảo thủ kêu gọi người dân Anh hướng đến tương lai, không nhìn lại quá khứ; các bên chấm dứt những tranh cãi gay gắt về Brexit vốn đã kéo dài nhiều năm qua, gây chia rẽ đất nước. Ông Johnson nhấn mạnh, trên cương vị người đứng đầu đất nước, ông có nhiệm vụ hàn gắn những chia rẽ, bất đồng về Brexit và đưa Anh tiến lên phía trước.

Để khởi động cho các sự kiện trong ngày lịch sử 31/1, sáng cùng ngày, ông Johnson đã tổ chức một cuộc họp nội các đặc biệt tại thành phố Sunderland - nơi đầu tiên tuyên bố ủng hộ “ra đi” trong cuộc trưng cầu ý dân năm 2016. Trong phát biểu ngày 31/1, Thủ tướng Johnson tiếp tục khẳng định nước Anh đang đứng trước một sự khởi đầu mới sau 47 năm là thành viên EU.

Đêm 31/1, tất cả các tòa nhà chính phủ ở khu Whitehall đã được chiếu sáng, trên các cột cờ ở Quảng trường Quốc hội ở Thủ đô London đã treo cờ EU. Một đồng hồ đếm ngược cũng đã được trưng trước cửa số 10 Phố Downing để đánh dấu việc nước Anh chính thức rời khỏi ngôi nhà chung châu Âu.

Như vậy, sau 1.317 ngày kể từ cuộc trưng cầu ý dân gây chấn động không chỉ ở Anh mà còn trên khắp thế giới, nước Anh đã thực hiện được ý nguyện của cử tri là “ra đi”, bước vào giai đoạn chuyển tiếp trong quan hệ giữa Anh và EU kéo dài 11 tháng, tới ngày 31/12/2020. Trong khoảng thời gian chuyển tiếp này, quan hệ giữa Anh và EU sẽ gần như không có thay đổi lớn.

Anh sẽ tiếp tục được hưởng các quyền lợi đồng thời cũng vẫn phải gánh những nghĩa vụ như khi là thành viên EU nhưng không còn tiếng nói hay có đại diện trong các thể chế chính trị của EU. Các nghị sĩ Anh tại Nghị viện châu Âu hiện nay sẽ phải về nước, Anh không còn ghế trong các cuộc họp của các nhà lãnh đạo EU cũng như không còn người trong các cơ quan kỹ thuật của khối... Trong thời gian quá độ này, Anh cũng sẽ tiếp tục áp dụng luật pháp của EU trong các vấn đề như thương mại, dịch chuyển và kinh doanh. 

Định hình tương lai

Về phía EU, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho rằng mọi thách thức và cơ hội đến với EU sẽ không thay đổi chỉ vì Brexit. Thay vào đó, Brexit sẽ mang lại cho 27 quốc gia thành viên còn lại của EU cơ hội để đảm bảo rằng liên minh này sẽ dẫn đầu trên con đường chống biến đổi khí hậu, đột phá công nghệ, quản lý nhập cư và xây dựng quan hệ đối tác vững mạnh trên toàn cầu. 

Ngày 31/1, 3 lãnh đạo hàng đầu của EU gồm Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Chủ tịch Nghị viện châu Âu David Sassoli đã cùng công bố một lá thư gửi tới Anh, trong đó khẳng định việc London rời EU mở ra một “bình minh mới” cho châu Âu. 3 nhà lãnh đạo cũng cam kết sẽ hành động với mọi quyền hạn để đảm bảo mối quan hệ Anh-EU sẽ thành công trong tương lai. Họ cũng nêu rõ EU sẽ không cho phép Anh tiếp cận thị trường chung châu Âu mà không tuân thủ các quy định về lao động, thuế quan và môi trường. 

Thời khắc Brexit lịch sử
Thời khắc Brexit lịch sử 

Trong khoảng thời gian chuyển tiếp 11 tháng tới cuối năm nay, Anh sẽ phải đàm phán với EU nhằm tìm kiếm một thỏa thuận xác định mối quan hệ giữa 2 bên trong tương lai. Với việc 2 bên đều mong muốn đạt được một thỏa thuận toàn diện, bao trùm tất cả các khía cạnh trong quan hệ song phương nhưng hiện vẫn còn bất đồng trong nhiều lĩnh vực, các cuộc đàm phán giữa Anh và EU để đi đến một thỏa thuận được dự báo là sẽ khó khăn không kém quá trình đàm phán để nước Anh ra khỏi EU.

Giới quan sát hiện đã bày tỏ lo ngại về nguy cơ 2 bên không thể đạt thỏa thuận vào hạn chót cuối năm 2020, đặc biệt khi Thủ tướng Anh Johnson khẳng định sẽ không xin gia hạn giai đoạn chuyển tiếp.

Với việc Brexit chính thức trở thành hiện thực, hộ chiếu của công dân Anh được cấp trước ngày 31/1/2019 là màu đỏ nhưng kể từ ngày 1/2, theo thông báo của chính phủ Anh, người dân Anh khi xin cấp hộ chiếu sẽ được nhận hộ chiếu có màu xanh nước biển.

Tại các cửa khẩu, công dân Anh sẽ tiếp tục được xếp hàng nhập cảnh cùng với công dân các quốc gia thành viên EU cho tới ngày 31/12 tới nhưng khi giai đoạn quá độ kết thúc, họ sẽ phải xếp hàng nhập cảnh vào châu Âu tại cửa dành cho công dân các nước ngoài châu Âu và sẽ phải mất nhiều thời gian chờ đợi hơn.

Các sinh viên được cho là những người bị ảnh hưởng theo chiều hướng tốn kém hơn cả khi rời khỏi EU. Cụ thể, từ tháng 9/2020, sinh viên châu Âu đã đăng ký học tại đại học của Anh và ngược lại dự kiến sẽ phải trả một khoản phí học “trái tuyến”. Sau năm 2021, một sinh viên châu Âu có thể sẽ phải trả tới 30.000 euro để học tại Anh. Với các sinh viên Anh học ở các nước châu Âu khác, tình trạng cũng sẽ diễn ra tương tự.

Trong năm 2020, người dân Anh vẫn sẽ được miễn phí chuyển vùng quốc tế của điện thoại di động nhưng kể từ ngày 1/1/2021, họ có thể sẽ phải trả phí chuyển vùng quốc tế khi tới EU và ngược lại... Là công dân của một quốc gia ngoài EU, người Anh cũng sẽ không còn có thể đảm nhận các vị trí công chức tại Brussels. Còn với EU, khối này sẽ lần đầu tiên mất đi một trong những thành viên lớn nhất và giàu nhất, chiếm 15% sức mạnh kinh tế. Với sự ra đi của 66 triệu người, EU sẽ chứng kiến dân số giảm xuống còn 446 triệu người. Lãnh thổ của EU sẽ giảm 5,5%.

Anh lẽ ra đã rời khỏi EU vào ngày 29/3/2019. Tuy nhiên, ngày này đã bị hoãn lại nhiều lần do các nhà lập pháp của Anh không thể đồng ý với các điều kiện Brexit. Tình hình đã thay đổi sau khi đảng của Thủ tướng Anh Vladimir Johnson chiếm được thế đa số trong quốc hội sau cuộc bầu cử vào tháng 12/2019.

Dự kiến, trong tuần này, Thủ tướng Anh Boris Johnson sẽ công bố những ưu tiên đàm phán. Phía EU cũng dự kiến sẽ có động thái tương tự. Phát biểu trước báo giới, bà Von de Leyen cho biết, từ ngày 3/2, châu Âu sẽ mở trang mới trong lịch sử và EC sẽ công bố quan điểm đàm phán thỏa thuận thương mại với Anh.