Trả giá cho hình thức

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Cả Chính phủ Anh lẫn Pháp đều viện dẫn lợi ích quốc gia để biện giải cho việc đưa tàu chiến đến ngư trường chung của hai bên. Ở thời trước khi nước Anh ra khỏi EU (Brexit), hai bên đã nhiều lần xô đẩy nhau vào tình huống như hiện tại. 
Tàu cá Pháp và chạm với tàu cá Anh.
Tàu cá Pháp và chạm với tàu cá Anh.

Bản chất của cuộc xung khắc này là bất đồng quan điểm về bên nào được đánh bắt bao nhiêu hải sản và đánh bắt vào mùa nào trong năm ở vùng biển giáp ranh giữa hai bên. Nhưng hiện tại là lần xung khắc đầu tiên kể từ sau khi nước Anh chính thức rời bỏ EU.

Điều đáng chú ý là lần xung khắc này xảy ra sau khi EU và chính phủ Anh có được với nhau thỏa thuận riêng về chính nội dung này và Pháp là thành viên EU. Như thế có nghĩa là trên nguyên tắc mối bất hòa kia đã được giải quyết bằng thỏa thuận giữa hai bên và Pháp hay Anh chỉ cần thực hiện nghiêm chỉnh và đầy đủ thỏa thuận ấy là ổn hết. 

Thỏa thuận này hồi cuối năm ngoái là một trong những vấn đề hóc búa nhất mà EU và Chính phủ Anh phải thương thảo với nhau trước khi nước Anha khỏi EU. Nó là một bộ phận của kịch bản về Brexit mà hai bên đã nhất trí được với nhau. Vậy mà mới chỉ sau đấy có 4 tháng, Anh và Pháp đã biến nó thành thỏa thuận chỉ tồn tại trên giấy.

Câu hỏi được đặt ra ở đây là vì sao Anh và Pháp lại bất chấp thỏa thuận này và EU hiện tại gần như cũng để mặc cho hai đối tác kia tự xử lý với nhau. Việc Chính phủ Anh và Pháp đều đưa tầu chiến đến ngư trường tranh chấp không có nghĩa là bên này hay bên kia chủ trương hay sẵn sàng sử dụng uy lực quân sự để bảo tồn lợi ích riêng của mình.

Hai bên không dám và sẽ không để xảy ra đụng độ quân sự ở nơi đây. Họ làm việc đó trước hết vì trang trải nhu cầu đối nội và chỉ để thể hiện cho phía bên kia là họ không nhân nhượng. Họ hoàn toàn ý thức được rằng khi làm găng nhau như thế này chẳng khác gì phơi bày cho thiên hạ biết thỏa thuận đã đạt được giữa EU và Chính phủ Anh về ngư trường này chỉ là hình thức chứ không thực chất.

Và đấy cũng chính là câu trả lời cho câu hỏi nói trên. Khi ký thỏa thuận, EU và Chính phủ Anh đều chịu áp lực thời gian và đều muốn có thỏa thuận bằng mọi giá để chuyện Brexit được diễn ra như dự kiến chứ không vượt ra ngoài tầm kiểm soát của cả hai bên. Khi ấy, cả hai phía đều ý thức được, đều biết rất rõ và thậm chí có thể còn đã thoả thuận ngầm với nhau là ký kết thỏa thuận là một chuyện, còn thực hiện hay không lại là chuyện khác và không có ý nghĩa quyết định vào thời điểm ấy. Cả hai phía đều coi trọng hình thức hơn thực chất.

Cho nên bây giờ các bên liên quan trực tiếp và rồi tới đây cả gián tiếp đều bắt đầu phải trả giá cho hình thức ấy. Sau Brexit, những xung khắc lợi ích giữa Anh và EU hay giữa Anh với thành viên riêng rẽ nào đấy của EU sẽ còn thêm gay gắt.