Trung Đông lại chiến sự

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ở khu vực Trung Đông, xô xát giữa người Palestine với cảnh sát Israel và người Do Thái cực hữu tại vùng phía Đông thành phố Jerusalem đã nhanh chóng đưa đến đụng độ quân sự, thậm chí còn có thể đã đến mức chiến tranh giữa Israel và lực lượng Hamas ở dải Gaza. 
Người dân tập trung tại một tòa nhà bị sập sau cuộc không kích của Israel vào thành phố Gaza.
Người dân tập trung tại một tòa nhà bị sập sau cuộc không kích của Israel vào thành phố Gaza.

Khu vực Trung Đông lại trở thành chiến trường và thu hút sự quan tâm theo dõi của cả thế giới giữa thời buổi thế giới vẫn bị dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona gây ra tác oai tác quái.

Tình trạng như hiện tại ở nơi này vốn đã nhiều lần thấy được trong lịch sử xưa nay. Nguyên nhân sâu xa và cơ bản của nó vẫn là mối bất hòa giữa Israel và Palestine. Hai bên chưa có được hòa bình và hòa giải cũng như Palestine chưa có được nhà nước độc lập vì tiến trình này giữa hai bên tuy đã được khởi động nhưng nhiều lần bị ngưng trệ và cho tới nay vẫn chưa đưa lại được giải pháp chính trị hòa bình cho cuộc xung đột giữa Palestine và Israel ở khu vực Trung Đông. 

Bất đồng quan điểm và ganh đua quyền lực giữa phe Fatah và phái Hamas trong nội bộ Palestine là một nguyên do cản trở tiến trình này. Nhưng cản trở mạnh nhất và chủ yếu là những biện pháp chính sách của Israel nhằm thôn tính những vùng lãnh thổ của Palestine, trong đó đặc biệt là chiếm đóng Jerusalem, và Israel xây dựng những khu định cư cho người do thái trên các khu vực lãnh thổ của người Palestine. Đụng độ bạo lực giữa hai bên vì thế luôn có thể bùng phát và leo thang mức độ quyết liệt vào bất cứ thời điểm nào.

Phía Israel ra tuyên bố nhưng rồi 47 phút sau đã rút lại tuyên bố là quân đội Israel đã tràn sang dải Gaza, tức là không hề có cuộc chiến tranh trên bộ ở dải đất này của Palestine như 3 lần trước. Trên thực tế có thể đúng như vậy và cũng có thể không, nhưng trong thực chất thì hiện tại đâu có khác gì chiến tranh thực thụ giữa Israel và Hamas. 

Nguyên do ban đầu ở vùng phía Đông của thành phố Jerusalem nhưng rồi đỉnh điểm là giao tranh quân sự giữa Israel và Hamas ở dải Gaza. Qua đó có thể thấy sự việc nhỏ có thể dẫn đến đột biến lớn ở nơi này. Chính quyền tự trị Palestine trước đấy không lâu đã quyết định lại trì hoãn tiến hành bầu cử Tổng thống và Nghị viện mà lần bầu cử trước đấy cách đây đã 15 năm. Bất hòa và tranh giành quyền lực giữa Fatah và Hamas khiến cho chính quyền tự trị Palestine không có được đủ quyền lực và uy tín cần thiết để kiểm soát, dẫn dắt được toàn bộ mối quan hệ giữa Palestine với Israel. 

Trong khi ấy, ở phía Israel cũng có khoảng trống quyền lực khi Chính phủ liên hiệp mới chưa được thành lập và chưa biết rồi đây liệu Chính phủ mới có thể thành lập được hay không. Tức là ở phía Israel có tình trạng mất ổn định Chính phủ trầm trọng kể từ hơn 2 năm nay.

Thủ tướng tạm quyền Benjamin Netanyahu được lợi nhiều từ những lần bùng phát đụng độ quân sự hay chiến tranh giữa Israel và Hamas. Trong bối cảnh như thế, Hamas ở phía Palestine dùng chiến sự để tranh thủ người Palestine và khuếch trương thanh thế, còn phía ông Netanyahu dùng chiến sự để làm cho dân chúng ở Israel tin rằng chỉ có ông Netanyahu mới có đủ năng lực đảm bảo an ninh cho Israel.

Chiến sự lại bùng nổ ở khu vực Trung Đông có nguyên cớ chính ở phía Israel và Palestine nhưng cũng còn bị tác động rất mạnh mẽ bởi sự thay đổi chính quyền ở Mỹ và những chuyển biến đang diễn ra giữa nhiều đối tác trong khu vực với nhau. Chính quyền mới ở Mỹ cho thấy vừa không dành ưu tiên chính sách cho việc giải quyết cuộc xung đột giữa Israel và Palestine, lại vừa không nuông chiều Israel quá thiên lệch như chính quyền tiền nhiệm. 

Đồng thời, một số nước trong khu vực Trung Đông, Bắc Phi và vùng Vịnh đang xúc tiến bình thường hòa quan hệ với hai nước địch thủ đáng gờm nhất của Israel trong khu vực là Iran và Thổ Nhĩ Kỳ. Chiến sự bùng phát và gia tăng như thế làm cho vấn đề nhà nước Palestine độc lập lại trở nên thời sự trên thế giới và trong khu vực, bất lợi nhiều cho Israel. Vì thế, Israel tuy chiến tranh quyết liệt nhưng lại không dám đi quá xa. Hamas lại không thể duy trì chiến sự quá lâu. Cho nên hai bên rồi đây sẽ lại phải hòa đàm với nhau, cho dù trước khi làm việc ấy còn tiếp tục giao tranh ác liệt với nhau.