Gói hỗ trợ tài khóa 350.000 tỷ sẽ kích hoạt 'ngôi sao hy vọng'

0:00 / 0:00
0:00

(PLVN) - TS.Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ví các giải pháp trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế do Chính phủ ban hành như “ngôi sao hy vọng” của nền kinh tế Việt Nam. Các giải pháp này sẽ hiệu quả hơn khi có những chính sách tài khóa cụ thể, kịp thời.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

5 “mũi giáp công”

Theo ông Vũ Tiến Lộc, các giải pháp trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế được Chính phủ ban hành có tác động dẫn dắt cả nước vượt lên đại dịch.

Theo đó, 5 giải pháp được coi là 5 “mũi giáp công” trong chương trình. Cụ thể, giải pháp thứ nhất là mở cửa theo nghĩa rộng nhất, đỉnh cao là mở cửa kinh tế quốc tế, mở lại đường bay quốc tế, không hạn chế về tần suất khai thác.

Giải pháp thứ hai là chăm sóc dân sinh nhằm đảm bảo an sinh người dân, người lao động, các đối tượng yếu thế trước biến động của thị trường, của nền kinh tế. Thứ ba là duy trì sinh kế bằng các giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh - những động lực phục hồi và phát triển nền kinh tế, cũng là cỗ máy tạo ra công ăn việc làm cho người dân.

Thứ tư là nâng cấp hạ tầng thông qua đẩy mạnh hàng loạt dự án đầu tư công để thúc đẩy phát triển tăng trưởng trong ngắn hạn, tạo đà cho phát triển dài hạn. Giải pháp thứ năm là tăng cường thể chế.

Về nhóm giải pháp về an sinh, ông Lộc cho rằng, chúng ta đã thực hiện đúng chủ trương coi con người là trung tâm của mọi nỗ lực cải cách, duy trì hay phát triển kinh tế. Về việc duy trì sinh kế, các giải pháp được đề ra có diện bao phủ lớn, bao gồm cả những biện pháp trực tiếp và gián tiếp để hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp. Doanh nghiệp vẫn phải "tự cứu lấy mình trước khi trời cứu", nhưng sự mở đường của Chính phủ bằng một loạt các biện pháp, các chính sách là rất quan trọng

Về cải cách thể chế, ông Lộc khẳng định, trước áp lực của phục hồi tăng trưởng, trước áp lực của dịch Covid-19, chúng ta có thể tạo ra sự đồng thuận rất cao trong việc đưa ra những giải pháp đột phá về cải cách. Sau giai đoạn phục hồi này, chúng ta có thể thực hiện những cải cách mạnh mẽ thể chế hơn. Cho nên những giải pháp trong 5 nhóm giải pháp Chính phủ đưa ra không chỉ tác động trong ngắn hạn, duy trì tăng trưởng mà còn tạo động lực cho bứt tốc tăng trưởng trong dài hạn.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, gói hỗ trợ tài khóa quy mô 350.000 tỷ đồng chính là chất kích hoạt cho 5 giải pháp nêu trên. Điều quan trọng là phải thực hiện các giải pháp một cách minh bạch, hiệu quả và khẩn trương.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, 5 giải pháp như là 5 “mũi giáp công” trong chương trình

Theo ông Vũ Tiến Lộc, 5 giải pháp như là 5 “mũi giáp công” trong chương trình

Tổ chức thực hiện thật tốt

Cùng đánh giá về hỗ trợ 350.000 tỷ đồng nêu trên, ông Nguyễn Hoài Bắc, kiều bào Canada nhận định, Quốc hội Việt Nam đã mạnh dạn đưa ra gói hỗ trợ trong 5 lĩnh vực là vô cùng sáng suốt và kịp thời để kích cầu, tạo cú hích cho kinh tế tư nhân và đầu tư công phát triển.

Cũng theo ông Bắc, việc phân bổ nguồn tài chính theo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội vừa được Chính phủ ban hành đã bao trùm được hơn 85% chiến lược cần thiết. “Điều đó là rất tốt. Việc cuối cùng là các đơn vị, ban, bộ, ngành thực hiện giải ngân sao cho nhanh chóng, chính xác và chống được tham nhũng, thất thoát tiền bạc của ngân sách và tiền thuế của người dân.

Từ kinh nghiệm đầu tư vào Việt Nam hơn 20 năm, ông Bắc nhấn mạnh về sự cần thiết phải tổ chức triển khai thực hiện thật tốt các nội dung của Chương trình, tránh tạo kẽ hở để cho các đối tượng xấu lợi dụng, làm “méo mó” thể chế và luật pháp.

Về cải cách thể chế, nhất là môi trường đầu tư, kinh doanh, ông Bắc cho rằng, “muốn tạo động lực tốt thì điều tiên quyết phải thay đổi thể chế đã cũ, lạc hậu; cung cách điều hành và người thực thi phải công tâm, mục đích trong sáng và tâm huyết, lấy tinh thần phụng sự lợi ích của nhân dân, của quốc gia là tối thượng”.

Nhấn mạnh về yêu cầu thực hiện một cách thực chất, hiệu quả các biện pháp hỗ trợ, GS.TS. Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, nhấn mạnh, có 2 điểm cần quan tâm. Thứ nhất là phải đưa chính sách đi vào cuộc sống sớm nhất có thể. Trong bối cảnh khó khăn của đại dịch, chính sách được thực thi càng sớm, càng kịp thời, thì càng hiệu quả. Trong đó, các thủ tục cần được thiết kế thật đơn giản, rõ ràng và phù hợp với điều kiện thực tiễn của đối tượng được hưởng thụ.

Điểm thứ hai theo ông là cần quan tâm khi đã đưa ra được các điều kiện, thủ tục, chỉ tiêu để kiểm soát thì cần rà soát để đảm bảo hỗ trợ đúng và trúng đối tượng.

Đọc thêm