Gồng mình chống “bão” thất nghiệp

Hàng triệu người đang bị "vạ lây" khi các doanh nghiệp bị phá sản. Cơn bão suy thoái đang làm đời sống người dân lao đao.

Hàng triệu người đang bị "vạ lây" khi các doanh nghiệp bị phá sản. Cơn bão suy thoái đang làm đời sống người dân lao đao.

Phát hoảng vì công ty phá sản

5 tháng làm việc vất vả, bạn Phạm Thị Thanh Thủy quê ở Kiến Xương (Thái Bình) chỉ nhận được… một tháng lương trong ngậm ngùi. Đau đớn hơn, giữa tháng 5-2012 Thủy cùng với 15 bạn trẻ của công ty Cổ phần Kiến trúc trẻ Hà Nội mất việc vì công ty này giải thể. Giờ, để trang trải cho cuộc sống Thủy phải tranh thủ làm thêm cho một quán cà phê và một hiệu may.

Thủy tâm sự: “Dù đã cố gắng bươn chải trong những năm tháng còn là sinh viên, nhưng mấy tháng đằng đẵng không lương thật là sợ hãi và công ty bị phá sản là một cú sốc đối với em. Mấy chị em sống cùng phòng trọ đều kém may mắn là công ty làm ăn thua lỗ nên đành dừng hoạt động. Bình thường sống ở Hà Nội đã khó, lúc không có tiền lương, cuộc sống còn khó khăn gấp bội.”

Thất nghiệp, bữa ăn ngày càng thiếu chất
Thất nghiệp, bữa ăn ngày càng thiếu chất

Cùng phòng trọ với Thủy là bạn Nông Thị Điều quê ở Hạ Lang (Cao Bằng) tốt nghiệp một trường cao đẳng từ năm 2009. Vất vả đi xin việc và cũng bị “nhảy việc” ở rất nhiều nơi, cuối năm 2011 Điều “đỗ” ở quán phở có thương hiệu khá là Phở Sinh (hoạt động dưới hình thức công ty) nhưng chỉ được một thời gian, quán giải thể.

Chạy đôn chạy đáo, nhờ bè bạn, hơn tháng sau Điều xin làm cho một công ty trên phố Phạm Ngọc Thạch (Hà Nội), chỉ được một vài tháng, công ty này cũng giải thể. Mất việc, Điều tạm xin về làm chạy bàn ở một cửa hàng bún ngan trong Phố chợ Khâm Thiên. Sau sáu năm thuê trọ ở một căn nhà xuống cấp, Điều cố gắng làm thêm để có tiền trang trải cho ăn học và có lẽ, đây là quãng thời gian mà cô và bạn cùng trọ thấy hoang mang, lo lắng nhất. Mỗi khi bà chủ nhà trọ xuất hiện, đòi tiền phòng là mọi người phát sợ.

“Khất nợ thì cũng chỉ được ba lần thôi chứ khất mãi không được, bà chủ trọ khó tính, đuổi ngay anh ạ. Chúng em phải cắt giảm chi tiêu, không dám đi chơi vì sợ mất tiền, còn ăn uống thì phải kham khổ, bóp mồm bóp miệng. Lúc còn đi học, nếu thiếu còn dám xin bố mẹ. Giờ tốt nghiệp rồi mà xin thì ngại lắm, chỉ dám nhờ mẹ “đỡ” cho mấy yến gạo gửi theo xe ô tô xuống thôi!”, Điều ngậm ngùi cho biết.

Gian nan kiếm nghề

Bạn Phạm Thị Thanh Thủy không chịu “bó tay” ở nhà, em đã cố gắng nhờ người giới thiệu và xin vào làm tại một quán cà phê trên phố Nhà Chung để kiếm tiền trang trải cho cuộc sống. Cũng may nhà chủ tốt bụng đã cho Thủy thêm tiền để học thêm tiếng Anh vào buổi tối.

Ở một xóm trọ khác tại quận Đống Đa (Hà Nội), đôi “vợ chồng sinh viên” Lê Công Chí và Nguyễn Thị Thuần thường động viên nhau cố gắng phấn đấu vượt qua cuộc sống trầy trật. Xuất thân từ tỉnh lẻ, về Hà Nội thi đại học đều trượt, cả hai xin vào học ở một trường trung cấp kế toán. Tại đây hai người đã quen biết và yêu nhau. Tốt nghiệp, Chí và Thuần cầm tấm bằng trung cấp đi xin việc và chẳng nơi nào nhận. Để “nâng cấp” họ dự định học liên thông cao đẳng. Giữa lúc suy tính trong quyết tâm cao độ và tìm việc làm thêm để nuôi ước mơ thì chẳng may Thuần… dính bầu!

Đã khó lại càng khó, hai người đành vừa làm đám cưới, vừa ôn thi. Đỗ liên thông là điều cả hai cảm thấy vô cùng sung sướng. Song, vợ chồng Chí phải lăn lộn làm đủ mọi việc để kiếm tiền thuê nhà, chi phí sinh hoạt hàng ngày và khoản học phí nặng nề.

Nào chở bia thuê, bán hàng rong, bán rau xanh vỉa hè… bất cứ việc gì kiếm ra tiền đôi vợ chồng trẻ đều không bỏ qua. Lúc này, đứa con gái đã được một năm tuổi, hai vợ chồng Chí - Thuần vẫn đánh vật với cuộc sống, duy trì việc học, theo đuổi niềm hy vọng là sẽ kiếm được một tương lai tươi sáng hơn. Tuy nhiên, điều mà Chí băn khoăn nhất lúc này là nếu học xong cao đẳng mà vẫn không xin được việc làm ưng ý, đồng lương thấp, lại phải nhẩy việc nay công ty này, mai công ty khác thì mệt mỏi vô cùng.

Đó chỉ là một số trong hàng vạn bạn trẻ trầy trật đường học đang “mơ” đến một việc làm ổn định nhưng đã phải nhảy việc  nhiều nơi do đồng lương quá bèo bọt. Và số người nhảy việc cũng cao hơn rất nhiều lần số người thất nghiệp…

Gồng mình chống “bão”

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 9 tháng đầu năm 2012, cả nước có gần 35.500 doanh nghiệp đóng cửa (tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước). Số người đăng ký thất nghiệp tăng 44% so với cùng kỳ. Điều này sẽ lại đặt lên vai xã hội thêm gánh nặng lớn. Bà Nguyễn Thị Kim Loan, Trưởng phòng Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), Trung Tâm giới thiệu việc làm Hà Nội cho biết, số người đến nộp hồ sơ tại trung tâm tăng vọt. Trong 10 tháng đầu năm, Bảo hiểm xã hội đã giải quyết 17.161 hồ sơ BHTN với số tiền chi trả hơn 283 tỷ đồng. Trong khi đó, năm 2011 chỉ là 79 tỷ và năm 2010 chi trả chưa đến 18 tỷ. Phòng BHTN của Trung tâm giới thiệu việc làm Hà Nội lúc nào cũng tấp nập người đăng ký hưởng BHTN. 

Đa số những người đăng ký BHTN là những lao động trẻ. Độ tuổi nhận BHTN chiếm số lượng lớn nhất là độ tuổi từ 25-40 tuổi. Dự tính nếu từ nay đến cuối năm 2012, con số doanh nghiệp giải thể và phá sản còn gia tăng nhanh thì số lượng người lao động mất việc, thất nghiệp gia tăng theo, cũng như các sinh viên mới ra trường, lực lượng lao động gia tăng cơ học hàng năm lại càng khó tìm việc. Tiến sĩ Nguyễn Thị Lan Hương - Viện trưởng Viện Khoa học lao động - xã hội cho rằng, mục tiêu tạo việc làm cho 1,5 triệu lao động trong năm nay có thể sẽ thấp hơn năm ngoái khoảng 5%.

Tác động cộng hưởng của suy giảm kinh tế, doanh nghiệp phá sản là những nguyên nhân chính dẫn tới tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm trong khu vực thành thị tăng lên. Đặc biệt, thanh niên là đối tượng chịu tác động rõ nhất. Còn theo đánh giá của Văn phòng Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) Việt Nam, tỷ lệ thanh niên thất nghiệp chiếm 51% tổng số người thất nghiệp ở Việt Nam. Trong đó, tỷ lệ thất nghiệp trong nữ thanh niên cao hơn nam giới. Việc này sẽ kéo theo thanh niên mất định hướng, không được sử dụng là một sự lãng phí nguồn nhân lực, có ảnh hưởng tới tiêu cực xã hội, nền kinh tế.

Để giảm thiểu thất nghiệp, gây tác động xấu đối với nền kinh tế, các nhà hoạch định chính sách cần theo đuổi một hướng tiếp cận đa chiều, áp dụng các chính sách vĩ mô xoay quanh mục tiêu tạo việc làm, tăng tổng cầu và khả năng tiếp cận tài chính khác. Có nhiều ý kiến cho rằng, nên có chính sách tăng lương, tránh để người lao động nhảy việc dẫn đến các doanh nghiệp cần người làm thì không có, mà nhiều thanh niên không có việc làm. Bên cạnh đó, cần phải có các biện pháp cần thiết khác như phát triển giáo dục và hệ thống đào tạo nhằm tạo điều kiện dễ dàng cho việc chuyển tiếp từ trường học sang thị trường lao động, đầu tư nhằm xây dựng các chính sách thị trường lao động toàn diện và mạnh mẽ.

Sơn Bình

Đọc thêm