Vẫn còn khoảng trống
Theo PVEP, so với Luật Dầu khí hiện hành, dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi), bổ sung thêm quy định về thẩm quyền của PVN phê duyệt phương án đầu tư thăm dò, đầu tư thăm dò mở rộng nhưng rất nhiều vấn đề liên quan đến đầu tư quan trọng khác phát sinh trong giai đoạn lập, phê duyệt đến triển khai, kết thúc dự án dầu khí lại chưa được xử lý.
Dự thảo bổ sung quy định đối với các doanh nghiệp như PVN/PVEP khi thực hiện trình duyệt ODP, EDP và FDP hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ cần có thêm báo cáo đánh giá hiệu quả đầu tư và phương án thu xếp vốn. So với các dự thảo trước, dự thảo lần này đã bỏ quy định cho phép Hội đồng Thành viên (HĐTV) PVN quyết định đầu tư, điều chỉnh đầu tư sau khi các vấn đề trên đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
PVEP cho rằng, nếu quy định như vậy sẽ không xử lý được khoảng trống pháp lý trong thực hiện quy định về đầu tư của các doanh nghiệp như PVN theo Luật Quản lý sử dụng vốn nhà nước với Luật Dầu khí. Mặt khác, Luật Đầu tư 2020 đã quy định không áp dụng trình tự, thủ tục đầu tư của Luật này đối với dự án dầu khí.
Do vậy, để tạo khuôn khổ pháp lý rõ ràng và hoàn chỉnh cho hoạt động đầu tư dự án dầu khí và đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh hoạt động đầu tư, PVEP kiến nghị Bộ Công Thương (đơn vị xây dựng dự thảo Luật) bổ sung các quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục đầu tư dự án dầu khí của các doanh nghiệp nhà nước như PVN và các doanh nghiệp thuộc sở hữu 100% của doanh nghiệp nhà nước như PVEP.
Đề xuất trao quyền thêm cho PVN?
Cũng theo góp ý của PVEP, dự thảo Luật quy định về quyền tham gia của PVN khi có phát hiện thương mại, quyền ưu tiên mua trước khi đối tác chuyển nhượng và nhận chuyển giao quyền và nghĩa vụ của nhà thầu khi quyết định rút khỏi hợp đồng dầu khí vì lí do an ninh quốc phòng; PVN báo cáo Bộ Công Thương thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ. Hồ sơ, trình tự, thủ tục theo quy định chi tiết của Chính phủ.
Tuy nhiên, theo PVEP, thông thường, thời hạn để PVN thực thi các quyền tham gia và quyền ưu tiên mua trước theo các hợp đồng dầu khí và thỏa thuận điều hành chung là rất ngắn, đa số đều giới hạn 30 ngày đối với quyền ưu tiên mua trước và 90 ngày đối với quyền tham gia khi có phát hiện thương mại.
Nếu PVN thực thi quyền tham gia và quyền ưu tiên mua trước sẽ dẫn đến việc thực hiện giao dịch chuyển nhượng với bên nhà thầu liên quan và sửa đổi hợp đồng dầu khí. Hai vấn đề này đều phụ thuộc phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ. Do đó, PVEP kiến nghị đề xuất áp dụng 2 quy trình khác nhau cho việc thực hiện. Thứ nhất, quyền tham gia khi có phát hiện thương mại và quyền ưu tiên mua trước. Thứ hai, nhận chuyển giao của nhà thầu từ bỏ hợp đồng dầu khí vì lý do an ninh quốc phòng.
Đối với quy trình thứ nhất, PVEP kiến nghị bổ sung quy định cho phép HĐTV PVN chủ động quyết định việc thực thi các quyền này theo quy định và hoàn thiện hồ sơ để xin phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ đối với giao dịch chuyển nhượng và sửa đổi hợp đồng dầu khí. Trong hồ sơ xin phê duyệt, sẽ kèm theo báo cáo đánh giá hiệu quả đầu tư và phương án thu xếp vốn của PVN/PVEP.
Như vậy, quyết định của PVN sẽ chỉ có hiệu lực khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt giao dịch chuyển nhượng. Nếu áp dụng quy trình này mới có thể đáp ứng được thời hạn phải trả lời đối tác về quyết định lựa chọn tham gia hay không. Ngoài ra, không phải thực hiện thủ tục xin phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ theo hai lần cho cùng một vấn đề…
Thời gian qua, nhằm góp ý cho dự thảo Luật Dầu khí, PVN đã tổ chức các hội thảo để trao đổi, thảo luận, lấy ý kiến tập trung vào các nội dung, nhóm chính sách quan trọng trong Dự thảo như: Hoàn thiện các quy định liên quan đến hợp đồng dầu khí; Quy định việc thực hiện dự án dầu khí theo chuỗi từ tìm kiếm thăm dò, khai thác, vận chuyển, xử lý; Quy định về ưu đãi đầu tư dầu khí và đặc biệt ưu đãi đầu tư dầu khí; Quy định về các bước triển khai dự án trong hoạt động dầu khí; Quy định việc cho phép bên thứ ba tiếp cận các cơ sở hạ tầng có sẵn của ngành Dầu khí... Theo dự kiến, Luật Dầu khí (sửa đổi) sẽ được lấy ý kiến Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022) và trình Quốc hội ban hành tại Kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022).