Ngày 16-3, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng tổ chức lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Nuôi con nuôi và dự thảo Luật Người khuyết tật (NKT). Bà Nguyễn Thị Kim Thúy, đại biểu Quốc hội chuyên trách chủ trì buổi lấy ý kiến.
Góp ý dự thảo Luật Nuôi con nuôi, nhiều ý kiến cho rằng, trong dự thảo luật quy định về từ chối nuôi con nuôi còn tản mát ở nhiều điều. Đề nghị đưa quy định này vào một điều. Cần bổ sung thêm quy định người đứng đầu các cơ sở nuôi trẻ bị bỏ rơi, trẻ mồ côi có quyền cho con nuôi. Tại Điều 2 của dự thảo luật nên bổ sung thêm mục đích xin con nuôi của người nuôi con nuôi.
Đại diện Sở LĐ-TB&XH thành phố phản ánh có một thực trạng đang xảy ra là gia đình đã cho con nuôi tìm địa chỉ của người nhận con nuôi để vòi vĩnh. Do đó, trong luật cần bổ sung thêm quy định về trách nhiệm của người cho con nuôi sau khi đã cho con nuôi. Nếu bố mẹ đẻ cho con nuôi thì phải có văn bản đồng ý. Cần quy định cụ thể con nuôi khi đủ 18 tuổi có quyền được biết về nguồn gốc của mình. Quy định về tuổi tối đa của người nhận con nuôi là 60 tuổi là hạn chế quyền công dân. Một số ý kiến cho rằng quy định về thủ tục hành chính xin con nuôi còn quá rườm rà, kéo dài thời gian.
Góp ý dự thảo Luật NKT, đa số ý kiến đồng tình cần phân hạng khuyết tật để có chính sách phù hợp với các nhóm đối tượng. Tuy nhiên, cần quy định rõ hơn về khuyết tật. Ví dụ cận thị cũng là khuyết tật, nếu phân hạng thì rất nhiều người bị tật này nằm trong nhóm đối tượng khuyết tật.
Có ý kiến đề nghị chỉ nên cấp chứng nhận cho người khuyết tật hạng một (người khuyết tật không có khả năng tự phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân) và hạng hai (người khuyết tật có khả năng tự phục vụ nhưng không có khả năng lao động). Chính sách đối với NKT nên áp dụng chung, không nên phân biệt giàu, nghèo. Không nên quy định độ tuổi nhập học của NKT mà chỉ quy định nhập học phù hợp với khả năng của NKT.
Tin và ảnh: S.T