GPMB tại xã Thuỵ Phương, Hà Nội: Muốn được xác nhận đúng, dân cậy ai?

Những vô lý trong việc TAND huyện Từ Liêm, Hà Nội “tạm đình chỉ” giải quyết vụ kiện hành chính của ông Nguyễn Văn Nhàn (thôn Tân Phong, xã Thuỵ Phương) đã được PLVN phản ánh tại số báo ra ngày 3/4/2012. Cách đây 2 tháng, một  phần của lý do “tạm đình chỉ” này đã không còn do Chủ tịch UBND huyện Từ Liêm đã ký Thông báo “Kết luận giải quyết đơn tố cáo của công dân” (bản Kết luận). Nhưng ngay lập tức, nhiều hộ dân đã phản ứng với nội dụng bản Kết luận  này…

Những vô lý trong việc TAND huyện Từ Liêm, Hà Nội “tạm đình chỉ” giải quyết vụ kiện hành chính của ông Nguyễn Văn Nhàn (thôn Tân Phong, xã Thuỵ Phương) đã được PLVN phản ánh tại số báo ra ngày 3/4/2012. Cách đây 2 tháng, một  phần của lý do “tạm đình chỉ” này đã không còn do Chủ tịch UBND huyện Từ Liêm đã ký Thông báo “Kết luận giải quyết đơn tố cáo của công dân” (bản Kết luận). Nhưng ngay lập tức, nhiều hộ dân đã phản ứng với nội dụng bản Kết luận  này…

Trên bản đồ 1994, khu đất này có ký hiệu là  “T” nhưng vẫn bị chính quyền coi là đất vườn
Trên bản đồ 1994, khu đất này có ký hiệu là “T” nhưng vẫn bị chính quyền coi là đất vườn

Dùng cả văn bản hết hiệu lực lẫn văn bản chưa có hiệu lực

Trước đó, các hộ dân thuộc diện bị thu hồi đất trong dự án “đường vào Khu Công nghiệp Nam Thăng Long” đã tố cáo ông Nguyễn Ngọc Nam- Chủ tịch UBND xã Thuỵ Phương vì hành vi “xác nhận sai diện tích, không đúng nguồn gốc đất, dẫn đến việc bồi thường thiếu, gây thiệt hại cho các hộ gia đình”.

Có lẽ, bản Kết luận do Chủ tịch UBND huyện Từ Liêm ký ngày 4/4/2012 đã không có gì mới so với quan điểm và lập luận mà UBND xã Thuỵ Phương đã trả lời các hộ dân trước đó. Rằng, tố cáo của công dân về việc Chủ tịch UBND xã Thuỵ Phương xác nhận sai diện tích, không đúng nguồn gốc đất là không có cơ sở…

Tuy nhiên, điều gây bất ngờ cho các hộ dân hơn cả là bản Kết luận này đã viện dẫn nhiều văn bản đã hết hiệu lực để chứng minh cho quan điểm trên. Đơn cử, khi bác tố cáo của các hộ dân về việc họ có 360m đất ở khi đi xây dựng kinh tế mới vào năm 1986, bản Kết luận cho hay,  mỗi hộ dân chỉ có 200 m2 đất ở (160m2 còn lại là đất vườn) là “phù hợp với Quyết định 272- CP ngày 3/10/1977 của Hội đồng Chính phủ…”. Tuy nhiên, thời điểm đó thì quy định trên đã bị thay đổi bằng Quyết định số 95- CP (27/3/1980) của Hội đồng Bộ trưởng (về chính sách xây dựng các vùng kinh tế mới). Theo đó, diện tích đất mà mỗi hộ xã viên được giao là 1500m2.

Như để thuyết phục hơn cho quan điểm của mình, Chủ tịch UBND huyện Từ Liêm còn viện dẫn cả Luật đất đai năm 1988 quy định về mức giao đất ở cho mỗi hộ đồng bằng Bắc Bộ. Rất tiếc, văn bản này lại chỉ có hiệu lực 2 năm sau khi các hộ được giao đất theo Giấy sử dụng đất số 1946 của UBND TP Hà Nội. Tại sao lại có chuyện “hồi tố” trong trường hợp này?

Bắt dân chạy vòng?

Ngoài việc bị từ chối bồi thường đất thổ cư theo đúng diện tích đất được ký hiệu là “T” trong bản đồ thì tại một số thửa đất khác, các hộ dân còn bị quy là “tự san lấp, bao chiếm đất ao công” nên không được bồi thường. Tuy nhiên, bản Kết luận đã không đưa được chứng cứ nào thể hiện đây là những thửa đất ao mang tên chủ sử dụng là HTX Đông Ba hoặc UBND xã Thuỵ Phương trên bản đồ và sổ mục kê cả.

Trong khi đó, các hộ dân có cơ sở pháp lý hơn khi đứng tên trên bản đồ và sổ mục kê năm 1994 thì UBND Chủ tịch UBND huyện Từ Liêm lại bác bỏ bằng cách viện dẫn Công văn 1568 (25/4/2007) của Bộ Tài nguyên và Môi trường trả lời TAND TP Hà Nội rằng, “số mục kê đất cũng không được coi là một trong các giấy tờ về quyền sử dụng đất theo quy định tại khoản 1, điều 50 Luật Đất đai”.

Chưa kể việc lấy một văn bản cá biệt trong lĩnh vực tố tụng để áp dụng giải quyết đơn thư theo thủ tục hành chính thì việc viện dẫn trên còn thể hiện sự lòng vòng, không đi đúng vào nội dung khiếu nại, tố cáo: Chính vì giấy tờ chưa đủ vì chỉ có bản đồ và sổ mục kê thì người dân mới xin công nhận đất sử dụng hợp bằng cách đề nghị UBND xã xác nhận về việc sử dụng đất ổn định lâu dài (theo quy định tại Điều 10, Quyết định 108/2009/QĐ- UBND của UBND TP Hà Nội).

Khi không được UBND xã xác nhận đúng theo bản đồ và Sổ mục kê, người dân mới “tố” lên huyện. Thay vì yêu cầu xã xác nhận theo đúng diện tích, thời điểm sử dụng theo Sổ mục kê thì ông Chủ tịch huyện lại bảo “chỉ có sổ mục kê thì đất không hợp pháp. Cứ theo trả lời này thì người dân lại phải trình sổ mục kê, đề nghị UBND xã xác nhận đất sử dụng đất ổn định, lâu dài? Xã không xác nhận đúng theo Sổ mục kê thì lại khiếu nại lên huyện? Và Chủ tịch huyện lại “phán”….

Theo quy định tại Điều 10, Quyết định 108 nêu trên thì chỉ không có các loại giấy tờ như: Giấy tờ hộ khẩu, Giấy giao đất, Sổ mục kê, Bản đồ… thì UBND xã mới tiến hành thu thập ý kiến của những người đã từng cư trú trong khu dân cư. Nhưng UBND xã Thụy Phương lại không căn cứ vào giấy đã có mà cứ lại tổ chức cuộc họp vào ngày 14/7/2010 để lấy xác nhận về việc sử dụng đất cho các hộ dân. Tiếng là “thu thập ý kiến” nhưng biên bản cuộc họp này cho thấy, chỉ có một mình cán bộ địa chính xã Thụy Phương “độc diễn” và đưa ra quan điểm để cả hội nghị “thống nhất” theo.

Với mong muốn làm rõ hơn về những nội dung trên, chúng tôi đã đến trao đổi với Chánh Thanh tra huyện Từ Liêm Hồ Văn Chính, nhưng ông Chính cáo bận và trả lời ngắn gọn rằng, “chúng tôi đã có Kết luận rồi. Tất cả đã có trong kết luận đó. Có làm việc với báo chí thì cũng không thay đổi được nội dung kết luận đâu” và “hẹn phóng viên dịp khác, khi nào bố trí được, chúng tôi sẽ gọi điện”. Tuy nhiên, đã hơn 1 tháng trôi qua, vẫn không thấy ông Chính gọi điện lại như đã hứa.

Khoa Lâm

Đọc thêm