[links()]Sáng qua (11/9), Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đã chính thức có lời mời GS.Ngô Bảo Châu và Viện Nghiên cứu cao cấp về toán cộng tác với Bộ Tư pháp trong việc triển khai Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC), giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013 – 2020 và xây dựng dự án Luật Hộ tịch.
|
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường tiếp GS.Ngô Bảo Châu |
Đánh giá cao vai trò của khoa học tự nhiên nói chung và toán học cao cấp nói riêng đối với công tác quản lý xã hội, Bộ trưởng cho biết, Chính phủ Việt Nam đang thực hiện Chương trình cải cách hành chính, trong đó có cải cách TTHC thông qua việc đơn giản hóa các TTHC với việc cắt giảm nhiều TTHC được qui định bởi các văn bản pháp luật. Trách nhiệm kiểm soát TTHC hiện được giao cho Bộ và ngành Tư pháp, các tổ chức pháp chế Bộ, ngành, địa phương nên “Bộ Tư pháp luôn trăn trở”.
Riêng trong lĩnh vực quản lý hộ tịch, Bộ trưởng nhận định, các vấn đề quản lý hộ tịch liên quan đến nhiều quyền con người được qui định trong Bộ luật Dân sự, nhưng cần được cụ thể hóa về trình tự, thủ tục thực hiện, xâu chuỗi hoat động giữa cơ quan quản lý Nhà nước các cấp trong quản lý hộ tịch.
Trong “mớ bòng bong” nhiều loại giấy tờ công dân không cần thiết, cơ sở dữ liệu về dân cư trong thời gian dài không có “sợi chỉ đỏ xuyên suốt” đã gây phiền hà cho người dân và ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động công vụ của cán bộ, công chức nên cần đơn giản hóa giấy tờ công dân và xây dựng được mô hình quản lý hộ tịch bằng phương thức cùng phương tiện hiện đại. Từ đó, sẽ tác động trở lại đến sự phát triển kinh tế xã hội, giảm thiểu chi phí cho xã hội.
Bộ trưởng cũng khẳng định, thực hiện Đề án là một bước cải cách táo bạo trong hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam nhưng còn phụ thuộc vào nhiều vấn đề, trong đó có sự cộng tác của các nhà khoa học như các nhà khoa học ở Viện Nghiên cứu cao cấp về toán.
Bên cạnh đó, “chúng ta đang có cơ hội lớn khi dự kiến cuối năm 2013 này Quốc hội sẽ thông qua dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và ban hành Nghị quyết về rà soát toàn bộ hệ thống pháp luật đảm bảo phù hợp với Hiến pháp sửa đổi. Đây là căn cứ để tiến hành các cải cách TTHC để từ năm 2014 tránh được sự không đồng bộ về giấy tờ công dân, cơ sở dữ liệu về quản lý dân cư. Đến năm 2020, đảm bảo cả hệ thống pháp luật cơ bản ổn định, tạo sự ổn định cho môi trường quản lý, xã hội, khơi được các nguồn lực đầu tư của xã hội, bước sang xây dựng Chính phủ điện tử.
GS.Ngô Bảo Châu đã bày tỏ sự vui mừng trước lời mời cộng tác của Bộ Tư pháp và khẳng định, trong số các “đơn đặt hàng” của các Bộ, ngành với Viện nghiên cứu cao cấp về toán thì Đề án của Bộ Tư pháp là “khả thi nhất” với sự ủng hộ của các cấp, các ngành và không đòi hỏi đột phá về mặt khoa học. Thực hiện Đề án chỉ nhằm tìm được mô hình quản lý hộ tịch, dân cư thích hợp nhất đối với đặc thù quản lý của Việt Nam, đảm bảo sự chuyển hóa giữa mô hình cũ và mới được thông suốt, tạo sự ổn định, thuận tiện cho cá nhân và công tác quản lý.
Chỉ ra các khó khăn mà việc thực hiện Đề án sẽ phải giải quyết, GS.Ngô Bảo Châu đặc biệt lưu ý đến các cơ chế kiểm tra, cảnh báo để không có sự nhầm lẫn, trùng lặp khi cấp mã số công dân vì “phương thức nào cũng là do con người thực hiện”. Từ đó GS.Ngô Bảo Châu đề xuất Bộ Tư pháp thành lập nhóm nghiên cứu chuyên sâu gồm những chuyên gia, nhà khoa học về tư pháp và công nghệ thông tin, tham khảo các ý kiến để xây dựng các mô hình trước khi chọn 2 mô hình khả quan nhất đề nghiên cứu, ứng dụng.
H.Giang