Ngày 1-7-2004, Quảng Châu đã giành được quyền đăng cai Asian Games 16. Thành phố cảng cổ kính của “Con đường tơ lụa trên biển”, một lần nữa nhận trọng trách tăng cường quan hệ giữa Trung Quốc và các quốc gia châu Á. Tháng 3-2009, một bản sao chiếc thuyền buồm bằng gỗ Cocachin-biểu tượng của Asian Games Guangzhou với khái niệm “Con đường tơ lụa trên biển”-được giong buồm; gần 30 quốc gia và vùng lãnh thổ dọc theo tuyến đường mà chiếc thuyền biểu trưng ngang qua đã hoan nghênh và xem nó như “một Đại sứ của Hòa bình, tình hữu nghị và đưa văn hóa châu Á đến với thế giới”.
Chiếc thuyền buồm Cocachin được xem như “một Đại sứ của Hòa bình, tình hữu nghị và đưa văn hóa châu Á đến với thế giới”. |
Kể từ khi ra đời vào năm 1951, Asian Games đã chứng kiến khát vọng của người dân châu Á cho một sự hợp tác trong hòa bình.
Nó là một thước đo hòa bình trong khu vực. “Sự may mắn đến với Asian Games Guangzhou cho tất cả” - một thông điệp tung ra trên Internet của NetEase đã nhận được phản ứng tích cực của cư dân mạng từ hơn 100 thành phố tại Malaysia, Nhật Bản cùng nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ khác của châu Á.
Trong một châu Á với gần 2/3 dân số thế giới, Asian Games trở thành nơi hội tụ lớn nhất của thể thao châu Á và là “một biểu tượng của sự thống nhất” trong toàn khu vực, như Chủ tịch Hội đồng Olympic châu Á (OCA) Sheikh Ahmad Al-Fahad Al-Sabah mô tả.
Thử nhìn lại một trong những chủ đề của Asian Games trước kia, từ “Hòa bình và Hữu nghị” của Jakarta 1962 cho đến “Hữu nghị, Đoàn kết và Tiến bộ” của Beijing 1990 và “Châu Á hòa hợp” tại Hiroshima 1994, cho thấy, các thành phố chủ nhà đều nỗ lực thúc đẩy một tinh thần “hữu nghị, hòa hợp và hợp tác”. Năm 2000, khi VĐV của 2 đoàn thể thao Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên cùng sánh vai tiến vào sân vận động Busan tại Asian Games, khán giả trên sân đã bày tỏ sự hưởng ứng hết sức nhiệt tình.
Rõ ràng, người dân và các quốc gia châu Á ủng hộ nhiệt thành Asian Games lần thứ 16 này khi xem nó là nền tảng cho sự đoàn kết và hợp tác. Hơn 10.000 VĐV và hơn 4.000 cán bộ đến từ 45 quốc gia và vùng lãnh thổ sẽ tham gia đại hội. Và có gần 10.000 nhà báo đến Quảng Châu để theo dõi, đưa tin.
Những người dân Trung Quốc đang cố gắng tối đa để cho thấy một Asian Games phản ảnh được sự hòa hợp, một hành tinh xanh và một sự văn minh.
Tỉnh Quảng Đông đã xây dựng, cải tạo hơn 70 sân vận động. Nhiều nỗ lực đã được triển khai để cải thiện chất lượng môi trường ở Quảng Châu. Gần 600.000 tình nguyện viên đang nỗ lực tạo một môi trường thoải mái và an toàn cho khán giá lẫn VĐV.
Để đáp ứng nhu cầu của các quốc gia châu Á, Guangzhou 2010 sẽ tổ chức thêm 14 nội dung thi đấu không nằm trong hệ thống Olympic gồm Cricket, Khiêu vũ thể thao, Đua thuyền rồng và Rollerskating. Các nhà tổ chức cũng mong muốn thúc đẩy sự giao lưu giữa các nền văn hóa khác nhau của châu lục.
Có rất nhiều dân tộc khác nhau ở châu Á, lục địa lớn nhất và đông dân nhất trên thế giới. Vì thế, nhu cầu tìm hiểu về nhau giữa các dân tộc trên lục địa vẫn còn rất lớn.
Thể thao có sức mạnh thay đổi thế giới bằng việc xóa tan những xung đột và giải quyết các cuộc tranh chấp bằng cách vượt qua cả rào cản địa lý lẫn bức tường ngôn ngữ. Asian Games Guangzhou 2010 được hy vọng sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tình đoàn kết và hữu nghị giữa các quốc gia châu Á...
BẢO AN