Guy Burgess - siêu điệp viên dưới vỏ bọc “sâu rượu”

(PLO) -Guy Burgess – rất quyến rũ và thường xuyên say xỉn – là một điệp viên nguy hiểm và hiệu quả hơn nhiều so với những gì mà công chúng từng biết. Đây là những tiết lộ mới nhất về một mắt xích trong “ Bộ ngũ Cambridge” của Liên Xô.
Guy Burgess trong một lần trả lời phỏng vấn tại Moscow, Liên Xô
Guy Burgess trong một lần trả lời phỏng vấn tại Moscow, Liên Xô

“Bộ ngũ Cambridge” gồm Kim Philby, Donald Maclean, Guy Burgess, Anthony Blunt và John Cairncross đều thuộc dạng “học rộng tài cao”, từng được đào tạo tại ngôi trường danh giá Cambridge trong thập niên 1930 sau đó được Cơ quan tình báo Liên Xô KGB tuyển dụng. 

Trong 5 thành viên, Guy Burgess thường bị “bỏ qua” vì cho rằng ông là điệp viên thiếu hiệu quả nhất. “Chưa từng có ai chỉ ra Burgess có thể tạo ra mối nguy  hiểm như thế nào, ngoài việc quyễn rũ một số nhân vật cấp cao” – đó là nhận định chung nhất mà người ta thường nói về Guy Burgess. 

Siêu điệp viên “có một không hai”

Guy Burgess tên đầy đủ là Guy Francis de Moncy Burgess, sinh năm 1911 tại thị trấn Huguenot, Devon trong một gia đình có truyền thống theo nghiệp binh. Guy Burgess từng được đào tạo tạo tại những trường danh tiếng như Eton và Cambridge, rồi sau này vào làm việc tại hãng tin BBC, cơ quan tình báo Anh và sau đó là Bộ Ngoại giao. 

Khi còn học tại trường học Trinity, Đại học Cambridge, Burgess từng cố gắng gia nhập Đảng Cộng sản của Anh. Dù vậy, tổ chức này tỏ ra khá thận trọng với những đối tượng thuộc tầng lớp trung lưu, nên ông được yêu cầu chờ 5 tuần mới được kết nạp.

Nhưng Burgess đã chẳng khó khăn gì để liên hệ với những nhân vật “không hợp pháp” từ phía Liên Xô, trong đó có Arnold Deutsch - người cũng đã tuyển dụng Philby Kim – nhân vật lừng lẫy nhất trong Bộ ngũ Cambridge sau này. Đến năm 1936, ông vào làm việc tại Cơ quan Tình báo quốc tế Anh (MI6). Thật trớ trêu, ông được giao nhiệm vụ phát hiện các đảng viên bí mật tại Oxford và Cambridge. 

Làm thế nào mà Guy Burgess – một người quá hớ hênh, một người đồng tính ở thời kỳ mà các mối quan hệ đồng tính không được chấp nhận, một người quá lăng nhăng, thường xuyên say bí tỉ, hơi thở lúc nào cũng nồng nặc mùi rượu và thuốc lá, quần áo lúc nào cũng dính thức ăn, móng tay dính đầy những thứ bẩn thỉu gớm ghiếc, người nhiều lần bị buộc tội uống rượu trong lúc lái xe – lại vừa có thể tồn tại trong vòng xoáy đầy phóng túng của giới trẻ ăn chơi ở Anh, trong đó có cả cháu gái của Churchill Winston và nhiều nhân vật “tai to mặt lớn” khác, lại vừa phát triển tốt với các quan chức cấp cao của Cơ quan Tình báo Nội địa (MI5), Cơ quan Tình báo quốc tế (MI6), các nhà ngoại giao cao cấp ngay tại nơi quyền lực nhất, đưa ra những quyết định ảnh hưởng nhất của nước Anh? 

Những người từng tìm hiểu về “Bộ ngũ Cambridge” sau này đều nhận định rằng, tài sản lớn nhất của Burgess là khả năng quyến rũ và mạng lưới bạn bè thân quen.

Guy Burgess khi còn làm tại Bộ Ngoại giao Anh
Guy Burgess khi còn làm tại Bộ Ngoại giao Anh 

Trong quá trình làm việc tại BBC, rồi MI5, MI6 Guy Burgess có xu hướng quyến rũ bất cứ ai mà ông bắt quen, kể cả Churchill Winston, từ đó thu được rất nhiều mối liên lạc cũng như được nhiều người yêu thích khi ông di chuyển giữa.

Ông thường bàn luận công khai về chủ đề an ninh quốc gia – một thái độ “có một không hai” trong giới điệp viên. Điều rất thuận lợi với ông là Bộ Ngoại giao Anh thời điểm đó “có cảm giác như một gia đình lớn – với rất nhiều nhân viên học hành và lớn lên cùng nhau. Bởi vì họ cư xử rất chân thành với người khác, nên họ nghĩ rằng ai cũng như mình”. 

Sự nguy hiểm khó lường

Trong một cuốn sách gần đây về thế giới ngầm của điệp viên, tác giả  Andrew Lownie cho rằng Burgess không hề như những lời đồn đoán rằng ông có vai trò rất nhỏ và là nguồn cơn gây khó khăn, thậm chí là khó chịu cho các thành viên còn lại trong “Bộ ngũ”. Andrew Lownie đã tìm thấy một tài liệu rất quý trong thư viện Bodleian của Đại học Oxford, đó là bản hồi ký của ông Patrick Reilly, cựu chủ tịch của Ủy ban Tình báo Hỗn hợp Anh. 

Theo thông tin trong bản hồi ký này, trong những năm làm điệp viên, Burgess đã chuyển hàng nghìn tài liệu mật cho Moscow, trong đó nhiều tài liệu chứa những thông tin cực kỳ hữu ích như các cuộc đàm phán của phương Tây nhằm kích hoạt Chiến tranh Lạnh. Burgess còn giúp Kim Philby giành được một vị trí trong MI6, thuyết phục phía Nga tuyển mộ Anthony Blunt và John Cairncross. Ông thực sự là nhân tố gắn kết cả nhóm. 

Burgess không chỉ làm điệp viên cho Liên Xô mà còn tham gia vào cuộc cạnh tranh phe phái trong chính phủ Anh. Guy Burgess từng tiến hành do thám cựu Thủ tướng Anh Neville Chamberlain giúp cho MI6 và Bộ Ngoại giao. Có một giai đoạn, ông còn xoay xở để thâm nhập được vào MI6 - không phải với vai trò một nhân viên mà là một điệp viên được MI6 tuyển dụng.

Không hề biết ông đang là điệp viên cho Liên Xô, MI6 gợi ý sẽ giúp ông thâm nhập sâu vào Liên Xô bằng cách sắp xếp để ông giữ một chân trong Đảng Cộng sản ở Moscow. Sau khi được Burgess thông báo về đề xuất này, Cơ quan tình báo Liên Xô KGB đánh giá đề xuất của MI6 là quá rủi ro với Burgess, đồng thời có thể khiến ông bị sao lãng khỏi mục tiêu chính là thâm nhập vào cơ quan tình báo Anh. 

Tính đến số lượng những thông tin mà Guy Burgess và các thành viên trong Bộ ngũ Cambridge chuyển cho phía Liên Xô, chẳng có gì ngạc nhiên khi Stalin lúc đầu nghi ngờ họ là những điệp viên được tình báo Anh đào tạo. Burgess chỉ thực sự được tín nhiệm sau khi đưa ra những giải trình hợp lý về nguồn tin rộng rãi mà ông có thể tiếp cận.

Từ đó, Moscow đều đặn nhận được rất nhiều thông tin mật, bao gồm những cuộc thảo luận tiền chiến tranh, kể cả phương án hòa giải, chi tiết kế hoạch đổ bộ vào đảo Sicily năm 1943 của phe Đồng minh cũng như quyết định hoãn việc tấn công Pháp cho đến năm 1944, quan điểm của Mỹ về vị trí của Berlin thời hậu chiến, những cuộc đàm phán sớm tiến tới thành lập NATO những như những thông báo về kế hoạch quân sự của Mỹ đối với bán đảo Triều Tiên… 

Buồn bã và nhớ nhà, đó là hình ảnh thường thấy của Guy Burgess trong những năm tháng cuối đời
Buồn bã và nhớ nhà, đó là hình ảnh thường thấy của Guy Burgess trong những năm tháng cuối đời 

Đoạn kết bi thảm

Năm 1951, Burgess bị trục xuất khỏi Washington, Mỹ - nơi ông làm việc trong Đại sứ quán Anh - sau khi uống rượu quá chén và bị bắt tới 3 lần trong một ngày vì tội lái xe quá tốc độ. Ông trở về Southampton ở Anh vào tháng 5/1951. Đây cũng là thời điểm mà một thành viên khác trong “Bộ ngũ” là Donald Maclean – lúc đó đang làm việc tại Bộ Ngoại giao Anh - có nguy cơ bị lộ. Dù vậy, Burgess lúc đó vẫn an toàn.

“Burgess là một kẻ vô tổ chức và vô trách nhiệm đến mức khó có thể tin rằng ông ta lại được tuyển mộ làm công tác tình báo” - Andrew Lownie viết. Bởi vậy, Burgess và một nhân vật cấp cao trong mạng lưới tình báo của Liên Xô đã sắp xếp kế hoạch khẩn cho Maclean trốn khỏi Anh.

Theo kế hoạch, Guy Burgess sẽ đưa Maclean tới một chặng đường nào đó rồi trở lại London tiếp tục nhiệm vụ. Tuy nhiên, Burgess lại bất tuân mệnh lệnh, trốn luôn cùng Maclean. Sau khi tới Liên Xô, cả hai bị nhốt trong một ngôi nhà nhỏ ở thành phố Kuybyshev, bị nhân viên tình báo Liên Xô canh giữ và thẩm vấn vài tuần liền cho tới khi người Liên Xô tin rằng hai người không phải là điệp viên hai mang.

Trong khi Maclean tạo dựng được sự nghiệp mới ở Liên Xô với tên Mark Frazer, Burgess vẫn không hề thay đổi: Vẫn là một người đồng tính quyến rũ, vẫn tiếp tục ngập trong rượu bất kể ngày đêm.

Trong lần trả lời phỏng vấn với một phóng viên Canada sau này, Guy Burgess thừa nhận ông không thể nào hòa nhập được cuộc sống mới và luôn nhớ tới người mẹ già đang bệnh tật nơi quê nhà. “Cuộc đời tôi đã kết thúc khi tôi rời bỏ London” – Guy Burgess nói. 

Những người sau này gặp Guy Burgess ở Moscow cũng kể rằng ông tham gia những bữa tiệc liên miên trong bộ vest xám rộng thùng thình và đeo một chiếc cà vạt theo kiểu của trường học Eton – nơi ông theo học khi còn ở Anh.

Kiểu cà vạt đó cũng đã trở thành đặc điểm nhận dạng nổi bật nhất của Burgess suốt những năm sau này: Ông đeo ngay lúc vừa ngủ dậy, khi đến câu lạc bộ ăn chơi mà ông thường xuyên ghé qua, khi tham gia các cuộc tuần hành của tầng lớp lao động, trong các chuyến đi tới Mỹ và cả khi qua đời năm 1963 trong một cơn say rượu.

Ra đi nơi đất khách xứ người trong nỗi niềm khắc khoải nhớ quê hương - cuộc đời của một siêu điệp viên tài ba, vô cùng đặc biệt và ẩn giấu nhiều bí mật đã kết thúc như thế.../.