Hà Nội đẩy mạnh tuyên truyền xử phạt các hành vi vi phạm phòng chống dịch bệnh Covid-19

(PLVN) - Đây là một trong những nội dung đáng chú ý của Kế hoạch về đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn do UBND TP. Hà Nội vừa ban hành .

Theo đó, UBND thành phố yêu cầu đẩy mạnh tuyên truyền quy định pháp luật liên quan các chế tài xử phạt các hành vi, nhóm hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến phòng, chống dịch bệnh COVID-19 như: không đeo khẩu trang nơi công cộng; không giữ khoảng cách theo quy định khi tiếp xúc; vứt khẩu trang đã qua sử dụng không đúng nơi quy định; không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người; không khai báo y tế, khai báo y tế không đầy đủ hoặc khai báo y tế gian dối gây lây truyền dịch bệnh cho người khác; không thực biện biện pháp phòng, chống dịch; thông tin không đúng sự thật về tình hình dịch bệnh; hành vi lợi dụng dịch bệnh để trục lợi cá nhân, đầu cơ, tích trữ, chống người thi hành công vụ... trong điều kiện áp dụng biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19. (Một số hành vi vi phạm pháp luật (hành chính, hình sự) trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và chế tài xử lý theo Nghị định số 117/2020/NĐ-CP; Nghị định số 124/2021/NĐ-CP; Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017))

Theo kế hoạch nói trên, nội dung tập trung tuyên truyền, phổ biến kịp thời các văn bản pháp luật, văn bản chỉ đạo của Trung ương và Thành phố về phòng, chống dịch Covid-19. Đẩy mạnh tuyên truyền các quy định của pháp luật liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19, nhất là quy định mới, hướng dẫn mới liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong chủ động thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, đánh giá cấp độ dịch, các biện pháp phòng, chống dịch, quy định về tiêm phòng, khám, điều trị, cách ly y tế trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19; các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch khi tham gia các hoạt động kinh tế, xã hội, sinh hoạt, học tập, làm việc, sản xuất, giao thông, du lịch… Đẩy mạnh tuyên truyền quy định pháp luật liên quan đến chế độ chính sách cho người lao động, người gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 như: Bộ Luật lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật việc làm…

Đẩy mạnh tuyên truyền quy định về cải cách hành chính, chú trọng quy trình, thủ tục giải quyết TTHC qua dịch vụ công trực tuyến, qua mạng internet, qua dịch vụ bưu chính. Tuyên truyền quy định pháp luật về giao dịch điện tử, chú trọng quy định thương mại điện tử và trách nhiệm pháp lý khi mua bán hàng hóa dịch vụ thương mại điện tử, giao dịch điện tử… Quy định pháp luật về chế độ làm việc của cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong điều kiện chủ động thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Đẩy mạnh tuyên truyền qua Tổng đài 1022 tiếp nhận xử lý các thông tin liên quan đến tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn Thành phố. Tuyên truyền quy định pháp luật liên quan các chế tài xử phạt các hành vi, nhóm hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19 như không đeo khẩu trang nơi công cộng, không giữ khoảng cách theo quy định khi tiếp xúc, vứt khẩu trang đã qua sử dụng không đúng nơi quy định, không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người, không khai báo y tế, khai báo y tế không đầy đủ hoặc khai báo y tế gian dối gây lây truyền dịch bệnh cho người khác…

Hình thức tuyên truyền trên báo, đài; Cổng Giao tiếp điện tử Hà Nội; trang thông tin điện tử phổ biến, giáo dục pháp luật của Thành phố, website, trang/cổng thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị, địa phương; tuyên truyền trực quan tại nơi công cộng bằng băng rôn, khẩu hiệu, pano, áp phích…; tuyên truyền trên phần mềm ứng dụng, internet, mạng xã hội Facebook; tuyên truyền qua tin nhắn điện tử; đẩy mạnh tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh cơ sở; chạy chữ trên truyền hình, phầm mềm ứng dụng; tuyên truyền trên màn hình Led, thiết bị điện tử trong thang máy trong các tòa nhà chung cư; tuyên truyền lưu động…

Thành phố yêu cầu công tác tuyên truyền cần rộng khắp, kịp thời, chính xác, thiết thực phù hợp với từng đối tượng, từng thời điểm, địa bàn và tình hình cụ thể, bám sát diễn biến tình hình dịch và nội dung, yêu cầu, chỉ đạo của Trung ương, Thành phố, địa phương về công tác phòng, chống dịch COVID-19, các chương trình, kế hoạch liên quan đến công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL);

Đẩy mạnh PBGDPLvề phòng, chống dịch bệnh COVID-19 với nhiều hình thức và nội dung phù hợp để mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, học sinh, sinh viên và người dân Thủ đô tích cực thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 để tự bảo vệ sức khỏe cá nhân và cộng đồng, thực hiện nếp sống “Văn hóa phòng, chống dịch bệnh COVID-19”; Tập trung tuyên truyền vận động người có nguy cơ nhiễm bệnh hoặc nhiễm bệnh tin tưởng, tự giác khai báo y tế, thực hiện theo hướng dẫn điều trị, chăm sóc sức khỏe tại nhà hoặc đến các cơ sở y tế khám, điều trị.

Các hình thức tuyên truyền phải đảm bảo biện pháp phòng, chống dịch; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyên truyền, PBGDPL về phòng, chống dịch bệnhCOVID-19;

Nhân rộng mô hình hay, cách làm hiệu quả, tấm gương điển hình trong việc tuyên truyền, chấp hành pháp luật về phòng, chống dịch bệnh COVID-19; Biểu dương gương người tốt, việc tốt trong việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống dịch bệnh COVID-19 đi đôi với phê phán, lên án các hành vi cố ý vi phạm, coi thường kỷ cương, pháp luật trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19, những hành vi lợi dụng dịch bệnh để trục lợi cá nhân;

Huy động sự tham gia, phối hợp tích cực của các cấp, các ngành, các đoàn thể và toàn thể Nhân dân Thủ đô trong hoạt động tuyên truyền, PBGDPL về phòng, chống dịch bệnh COVID-19 lồng ghép cùng chương trình, kế hoạch công tác, thực thi nhiệm vụ, các phong trào vận động của cơ quan, đơn vị, địa phương, các mô hình tự quản tại cộng đồng; Kết hợp tuyên truyền với việc xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống dịch bệnh COVID-19;

Đọc thêm