Hà Nội dự kiến giảm 2.824 thôn, tổ dân phố sau sáp nhập

(PLVN) - Sáng 19/11, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hà Nội tổ chức Hội nghị phản biện xã hội vào dự thảo Nghị quyết của HĐND TP “Về việc sáp nhập, đổi tên thôn, tổ dân phố trên địa bàn TP Hà Nội năm 2019”.
Quang cảnh Hội nghị
Quang cảnh Hội nghị

Trình bày dự thảo Nghị quyết của HĐND TP về việc sáp nhập, đổi tên thôn, tổ dân phố trên địa bàn TP, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Nguyễn Chí Đoàn cho biết, hiện nay, trên địa bàn TP có 7.970 thôn, tổ dân phố. Sau khi UBND TP ban hành Đề án tiếp tục kiện toàn thôn, tổ dân phố, có 22/30 quận huyện đã hoàn thiện các quy trình từ cơ sở, xây dựng hồ sơ báo cáo UBND TP để trình HĐND TP thông qua.

Dự kiến, tổng số thôn, tổ dân phố còn lại của Hà Nội sau khi thực hiện sáp nhập là 5.146 (giảm 2.824 thôn, tổ dân phố). Căn cứ vào thực tiễn hoạt động của thôn, tổ dân phố và ý kiến cử tri, TP Hà Nội cũng đề nghị Bộ Nội vụ thống nhất với TP bố trí phó trưởng thôn, phó tổ trưởng dân phố đối với tất cả các thôn, tổ dân phố trên địa bàn; đối với các thôn, tổ dân phố có từ 350 hộ gia đình trở lên thì căn cứ vào hoạt động thực tiễn của địa phương có thể xem xét, bố trí thêm 1 phó trưởng thôn, phó tổ trưởng dân phố.

Tại hội nghị, phản biện về Dự thảo Nghị quyết của HĐND TP, các đại biểu, thành viên MTTQ TP cho rằng, việc sáp nhập, sắp xếp thôn, tổ dân phố trên địa bàn TP là một việc lớn, tác động đến tâm tư, tình cảm của người dân. Do vậy, quá trình thực hiện phải được xem xét kỹ lưỡng, triển khai thận trọng, đặt vấn đề ổn định lên trên hết, đặc biệt trong bối cảnh năm 2020 là năm diễn ra Đại hội đảng bộ các cấp và nhiều sự kiện chính trị quan trọng đồng thời TP Hà Nội đang chuẩn bị triển khai Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị.

Các đại biểu đề nghị trong quá trình thực hiện phải tính đến các yếu tố, đặc điểm về văn hóa, tôn giáo của từng cộng đồng; quan tâm hơn đến hoạt động của các thôn, tổ dân phố sau sáp nhập để các phong trào không bị đi xuống.

Các đại biểu cũng đề nghị cùng với sáp nhập cần chú trọng nâng cao hiệu quả hoạt động; có quy chế hoạt động, phân định rõ nhiệm vụ giữa thôn, tổ dân phố với chín h quyền cấp xã, cấp huyện để không dồn việc xuống cấp dưới; chỉ đạo đồng bộ các ngành trong hỗ trợ đổi giấy tờ tùy thân cho người dân…

Đọc thêm