Hà Nội quyết tâm cải thiện sự hài lòng của người dân

(PLO) -“TP chúng ta cần phải tập trung khắc phục ngay trong năm 2018, đó là tiếp tục cải thiện sự hài lòng của tổ chức, công dân khi tiếp cận với thủ tục hành chính (kết quả đánh giá chỉ tiêu này ở cấp sở, ngành chưa cao, mới đạt 50%)...”, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải chỉ đạo.
Hướng dẫn người dân làm thủ tục hành chính tại bộ phận “một cửa” phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân (Hà Nội)
Hướng dẫn người dân làm thủ tục hành chính tại bộ phận “một cửa” phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân (Hà Nội)

Cũng theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, hiện một số đơn vị sở, ngành của thành phố chưa hoàn thành việc công bố, sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật; Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tuy có sự cải thiện đáng kể song còn 5 chỉ số thành phần đạt thấp, chậm có chuyển biến

Bí thư Hoàng Trung Hải chỉ đạo như trên tại hội nghị giao ban quý IV/2017 với lãnh đạo quận, huyện, thị xã theo hình thức trực tuyến vào sáng qua (13/12).

Theo Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Huy Sáng, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Hà Nội tăng 10 bậc, xếp thứ 14/63 tỉnh, thành phố, cao nhất từ trước tới nay; Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) xếp thứ 3 cả nước (tăng 6 bậc); Chỉ số về mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin (ICT) xếp thứ 2 cả nước…

Tuy nhiên, một số nhiệm vụ Chính phủ giao chưa đạt tiến độ theo yêu cầu; một số chỉ tiêu, nhiệm vụ về cải cách hành chính (CCHC) năm 2017 chưa đạt và hoàn thành như: tỷ lệ số lượng thủ tục hành chính (TTHC) được thực hiện trực tuyến mức độ 3, 4 còn thấp (chỉ tiêu phấn đấu trên 40%, ước tính đến cuối năm 2017 chỉ đạt 29,9%), một số TTHC còn thiếu tính liên thông và cơ chế phối hợp thực hiện).

Về kế hoạch triển khai nhiệm vụ năm 2018, Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội  cho biết, thành phố đã lựa chọn chủ đề triển khai năm 2018 là “Năm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị”. Trong năm 2018, Hà Nội sẽ nghiên cứu xây dựng Đề án và triển khai thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị trong khu vực các quận; tiếp tục củng cố chính quyền nông thôn theo quy định của pháp luật. Thí điểm đổi mới, xã hội hóa các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông ở các địa bàn có khả năng xã hội hóa cao. Đặc biệt, sẽ sắp xếp, sáp nhập trường trung cấp vào trường cao đẳng; giải thể các trường trung cấp, cao đẳng hoạt động không hiệu quả.

Cùng với đó, thành phố sẽ nghiên cứu hợp nhất các Trung tâm bảo trợ thuộc Sở LĐTB&XH có chức năng, nhiệm vụ tương đồng thành Trung tâm bảo trợ đa năng. Thực hiện mô hình Trung tâm Y tế đa chức năng cấp huyện; rà soát, sắp xếp hợp lý các phòng khám đa khoa khu vực, trạm y tế.

Hà Nội cũng sẽ thực hiện rà soát tổng thể tổ chức, bộ máy hoạt động của các thôn, tổ dân phố; số lượng biên chế cán bộ chuyên trách, không chuyên trách cấp xã, số lượng cán bộ không chuyên trách ở các thôn, tổ dân phố theo hướng thu gọn đầu mối.

Tiếp thu ý kiến và một số kiến nghị của 10 lãnh đạo các sở, ngành, quận, huyện, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cho biết sẽ tổng hợp các ý kiến  và có trả lời ngay trong tuần.

Cũng tại Hội nghị, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Tô Văn Động cho biết, trong việc xây dựng lối sống văn hóa, thanh lịch, hiện vẫn chưa có sự thay đổi rõ nét, vẫn còn hiện tượng lối sống ích kỷ, vô cảm, trình độ hiểu biết pháp luật còn hạn chế; chưa tạo được phong cách ứng xử văn minh đặc trưng riêng biệt của người Hà Nội. Ông lấy ví dụ về việc vừa qua, có việc cha đẻ và mẹ kế bạo hành cháu bé 10 tuổi cho thấy trình độ hiểu biết pháp luật, lối ứng xử còn rất hạn chế.

Đọc thêm