Hà Nội tăng cường kiểm tra đê, kè để kịp thời xử lý khi có sự cố

(PLO) - Ngày 1/8/2018, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) TP Hà Nội đề nghị các ngành liên quan tăng cường kiểm tra, theo dõi các công trình đê, kè, cống để có biện pháp xử lý kịp thời khi có tình huống xảy ra, đặc biệt là các tuyến đê thuộc sông Tích, sông Bùi, sông Đáy; kịp thời hỗ trợ nước uống, các nhu yếu phẩm cần thiết cho các hộ dân bị ngập lụt; khẩn trương chỉ đạo tổng vệ sinh môi trường đối với các khu dân cư ngập úng...
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đi thị sát khu vực đê tả Bùi hôm 30/7. Ảnh: Cổng TTĐT TP Hà Nội.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đi thị sát khu vực đê tả Bùi hôm 30/7. Ảnh: Cổng TTĐT TP Hà Nội.

Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) TP Hà Nội, sau đợt mưa lớn tại Hà Nội vào chiều tối qua, tính đến 7h hôm nay, (1/8, mực nước sông Nhuệ tại trạm Đồng Quan dưới mức báo động I; sông Tích tại trạm Kim Quan trên mức báo động II; sông Tích tại trạm Vĩnh Phúc, sông Bùi tại trạm Yên Duyệt đều trên mức báo động III.

Thành phố đang vận hành 44 trạm bơm tiêu với 145 máy bơm; tổng lưu lượng bơm tiêu là 397.500m3/h.

Trước tình hình trên, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN TP Hà Nội đề nghị Ban chỉ huy PCTT và TKCN các quận, huyện, thị xã; các Sở, ban, ngành; các công ty thủy lợi, Công ty TNHH một thành viên thoát nước Hà Nội thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của UBND TP, Ban chỉ huy PCTT và TKCN TP tại các công điện đã được ban hành về việc thống kê đánh giá thiệt hại do mưa, lũ, cơn bão số 3 và áp thấp nhiệt đới gây ra.

Bên cạnh đó, cần tăng cường kiểm tra, theo dõi các công trình đê, kè, cống để có biện pháp xử lý kịp thời khi có tình huống xảy ra (đặc biệt là các tuyến đê thuộc sông Tích, sông Bùi, sông Đáy); kịp thời hỗ trợ nước uống, các nhu yếu phẩm cần thiết cho các hộ dân bị ngập lụt do lũ gây ra; khẩn trương chỉ đạo tổng vệ sinh môi trường đối với các khu dân cư ngập úng để phòng trừ dịch bệnh.

Ban Chỉ huy PCTT và TKCN TP Hà Nội cũng yêu cầu các địa phương tăng cường kiểm tra theo dõi các hồ chứa nước (đặc biệt là các hồ đã đạt mực nước thiết kế) để chủ động điều tiết, phòng tránh các sự cố.

Đối với các huyện có đồi núi như Ba Vì, Sóc Sơn, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức chủ động tổ chức rà soát các khu vực có nguy cơ sạt lở để chủ động phương án sơ tán dân, tài sản đến nơi an toàn…

Do nước từ thượng nguồn đổ về, mực nước sông Tích tiếp tục tăng nhanh dẫn đến các khu vực đê bao Đồng Lọng, Khoan Lươn tại xã Đồng Yên đã bị tràn toàn tuyến. Đến 12h ngày 31/7, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện đã chỉ đạo, huy động chống tràn thành công, tiếp tục chỉ đạo tiến hành kiểm tra, theo dõi.

Theo tổng hợp của Ban chỉ huy PCTT và TKCN huyện Quốc Oai, tính đến 17hngày 31/7, trên địa bàn huyện có 1.816 ha lúa bị ngập úng, trong đó có 1.225ha bị ngập trắng; 118,488ha rau màu bị ảnh hưởng. Số lượng lợn, gia cầm và vật nuôi khác bị ảnh hưởng là 53.497 con. Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn bị sạt lở 72m đường trong khu dân cư.

Tổng hợp của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN huyện Mỹ Đức, tính đến 17h ngày 31/7, trên địa bàn huyện còn một số diện tích lúa, hoa mà trong vùng đê bảo vệ bị đầy nước đang tiếp tục bơm tiêu và còn 679ha ngoài vùng đê bao bị ngập.

Còn theo tổng hợp của Ban chỉ huy PCTT và TKCN huyện Chương Mỹ, tính đến 17h ngày 31/7, trên địa bàn huyện có 3.683 hộ bị ngập dưới 2m và 6.083 khẩu phải sơ tán; sạt lở 1.885m đường giao thông nông thôn, 3.520m đường giao thông nội đồng, 12.110m chiều dài đê, hồ, đập; hư hỏng 11.910m chiều dài kênh mương.

Đọc thêm