Làm rõ tác động của việc mở rộng địa giới Hà Nội

(PLO) - Hội thảo góp ý vào Dự thảo báo cáo tổng kết 10 năm triển khai Nghị quyết số 15/2008/NQ-QH12 của Quốc hội về điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội đã được diễn ra hôm qua (2/5).
Diện mạo Thủ đô Hà Nội đã có nhiều thay đổi sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính.
Diện mạo Thủ đô Hà Nội đã có nhiều thay đổi sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính.

Chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh Thủ đô 

Theo dự thảo báo cáo, sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính, kinh tế Thủ đô tiếp tục tăng trưởng, đạt trung bình 7,41%/ năm, duy trì là một trong 2 đầu tàu kinh tế của cả nước. Ngay sau khi hợp nhất, TP đã quan tâm thực hiện cấp điện cho các địa bàn chưa được dùng điện lưới.

Cùng với đó, cơ sở vật chất giáo dục được đầu tư chuẩn hóa, tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia đến nay đạt 62%; sửa chữa, cải tạo 5.523 phòng học nhờ, học tạm, phòng học xuống cấp. Ứng dụng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực: giáo dục, y tế, quản lý đô thị, dịch vụ hành chính công được đẩy mạnh.

Xây dựng và quản lý đô thị, vệ sinh môi trường được thực hiện với cách làm mới, sáng tạo, hiệu quả như: Chương trình trồng 1 triệu cây xanh, cấp nước sạch nông thôn, chiếu sáng đô thị - nông thôn, cải tạo hồ nước… Nhiều khu đô thị mới khang trang đã và đang hình thành. Hạ tầng nông thôn được chú trọng đầu tư, tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới đến nay đạt 76,17% - dẫn đầu cả nước. 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả trên thì phát triển kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh Thủ đô; chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh còn thấp; chưa phát huy hết thế mạnh các nguồn lực về vốn, khoa học và công nghệ; hiệu quả sử dụng nguồn lực đất đai, tài sản công chưa cao; ứng dụng công nghệ cao để phát triển sản xuất còn thấp, chưa đồng bộ. Công tác quy hoạch, xây dựng quản lý, phát triển đô thị chưa đáp ứng được yêu cầu...

Thời gian tới, TP  Hà Nội sẽ nhận diện đầy đủ cơ hội và thách thức của cách mạng công nghiệp 4.0, thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; phấn đấu tăng trưởng GRDP bình quân thời kỳ 3 năm 2018 - 2020 đạt hơn 7,4%/năm trở lên, GRDP năm 2020 đạt hơn 126 triệu đồng/người/năm. Hà Nội cũng sẽ đẩy nhanh hoàn 

thiện xây dựng các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết; đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng, cải tạo hệ thống giao thông khu vực nội đô; hoàn thành các dự án tuyến đường vành đai, trục hướng tâm; đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông trên cao, đường sắt đô thị, các công trình ngầm gắn với phát triển vận tải hành khách công cộng... Thành phố tiếp tục tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới, hoàn thành chỉ tiêu hơn 80% số xã đạt tiêu chí vào năm 2020...

Giải quyết các vấn đề từ những giải pháp nguồn gốc

Theo Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Tô Anh Tuấn, việc mở rộng địa giới hành chính đã tạo nhiều thuận lợi cho Thủ đô. Một trong số đó là tạo cho Hà Nội một không gian đủ lớn để TP phát triển mạnh mẽ và thực hiện đầy đủ chức năng của Thủ đô một quốc gia, mà với địa giới hành chính cũ của Hà Nội đã không có đủ điều kiện thực hiện được. Đây là một thuận lợi căn bản. Ngoài ra, với không gian mở rộng như thế thì có khả năng cơ cấu, bố trí lại không gian phát triển của TP, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Đó là những thuận lợi căn bản lâu dài với Hà Nội.

Ngoài ra, cần làm rõ tác động và vai trò của việc mở rộng địa giới hành chính đối với sự phát triển của Thủ đô; làm rõ tái cơ cấu không gian phát triển của TP Hà Nội trong khu vực trung tâm. “Với không gian mở rộng này thì phải tái cơ cấu lại phân bố dân cư, không gian sản xuất, giải quyết ô nhiễm, tắc nghẽn, chật chội từ những giải pháp nguồn gốc” – ông Tô Anh Tuấn nhấn mạnh.

Tại Hội thảo, nhiều đại biểu cũng thẳng thắn chỉ rõ, trong vấn đề phát triển hạ tầng và phát triển đô thị, tình trạng đầu tư còn phân tán; các dự án, khu xây dựng mới hình thành rất nhiều, nhưng chưa có khu đô thị nào đồng bộ đủ sức để thu hút dân cư, làm nhiệm vụ giảm bớt áp lực dân số trong khu vực nội đô. Các hạ tầng đi theo các khu đô thị chưa đồng bộ, chưa được thực hiện ở mức độ cao, cần được chú trọng khắc phục trong thời gian tới. Bởi vậy rất cần bổ sung phân bố lại không gian Thủ đô theo hướng cân bằng, sinh thái bền vững.

Phát biểu kết luận Hội thảo, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung lưu ý cơ quan soạn thảo Báo cáo lưu ý làm rõ luận cứ để đánh giá sự cần thiết của việc thực hiện Nghị quyết 15 của Quốc hội; nêu rõ những kết quả đạt được, hạn chế, tồn tại và các kiến nghị phải bám sát vào các quy hoạch, kế hoạch của Trung ương, các bộ, ngành đề ra; nêu bật được trách nhiệm của thành phố trong việc chỉ đạo, triển khai.

“Cần xác định rõ các mục tiêu trọng điểm: coi trọng phát triển văn hóa; xây dựng trung tâm khởi nghiệp; xây dựng thành phố thông minh; phát triển kinh tế tập trung cơ cấu ngành dịch vụ, đưa du lịch trở thành ngành mũi nhọn; sắp xếp chính quyền tinh gọn, hiệu quả; xây dựng chính quyền đô thị; xây dựng chiến lược liên kết kinh tế vùng…”, Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh.

Đọc thêm