Làng bánh chưng ở Thủ đô

(PLVN) - Tết đến rất gần nhưng người làng Bạc, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội, vẫn tập trung cao độ cho công việc. Nồi bánh chưng của nhiều gia đình vẫn nổi lửa thâu đêm suốt sáng để phục vụ khách.
Làng bánh chưng ở Thủ đô

Bước vào đầu làng Bạc đã thấy thơm phức hương vị nồi bánh Chưng. Bánh chưng làng Bạc nổi tiếng thơm ngon, sánh ngang với các làng nghề bánh chưng như Tranh Khúc (Thanh Trì, Hà Nội),  Đông Anh (Hà Nội), Vĩnh Hòa (Nghệ An).

Gần 80% hộ dân làng Bạc gói bánh chưng, cha truyền con nối. Mỗi gia đình làm nhỏ thì 5 -7 nồi, nhiều thì 20 – 30 nồi một ngày, mỗi nồi có thể chứa được 70 – 100 chiếc bánh mỗi lần luộc. Từ sáng tới tối cả gia đình huy động già trẻ gái trai mỗi người một việc, người trải lá, rửa lá, người lau lá, thái thịt lợn, vo gạo, giã đậu xanh, tấp nập từ mờ sáng đến tối muộn. Có những cụ già móm mém, 70 - 80 tuổi, vẫn ngồi gói bánh Chưng.

Người dân trong làng chia sẻ, gạo nấu bánh chưng là nếp cái hoa vàng, không được ngâm mà phải vo rồi đãi sạch, sau đó để khô, nếu ngâm sẽ nhanh thiu. Đỗ xanh loại 1 bỏ vỏ, nấu chín, đánh nhuyễn, tất cả không có một hạt sạn. Thịt lợn phải tươi, nửa mỡ nửa nạc, tốt nhất là thịt ba chỉ, sau đó là thái bản to, ướp gia vị với hạt tiêu cho miếng thịt thơm, mềm.

Lá dong thường lấy số lượng lớn của nhà buôn các tỉnh miền núi. Lá phải xanh, bản to, không rách. Chọn xong, rửa sạch và để khô,tước hết cuống lá rồi xếp mặt lá xanh vào nhau, rồi chồng lên nhau chờ được gói.

Để bánh chưng xanh ngon, lá dong cần được chuẩn bị qua 3 bước trải lá – rửa lá – lau lá.
Để bánh chưng xanh ngon, lá dong cần được chuẩn bị qua 3 bước trải lá – rửa lá – lau lá.
Vợ chồng bà Nguyễn Thị Xuân (53 tuổi) làm nghề gói bánh chưng hơn 20 năm. Mỗi ngày nhà bà Mười cho ra lò hơn 1.000 chiếc bánh, phần lớn phân phối cho các chợ quanh khu vực Tây Hồ, các siêu thị, khách quen, với giá bán buôn là 35.000 đồng/chiếc to, 10.000 đồng/chiếc nhỏ.
“Gói bánh chưng tưởng đơn giản nhưng để có vị riêng biệt, hạt gạo dẻo, mềm, thì khâu chọn nguyên liệu cũng vô cùng quan trọng. Đầu tiên, chọn gạo nếp để gói bánh, hạt phải tròn, mẩy và chắc, thịt lợn phải chọn ba chỉ tươi, ngon để khi cắn vào nhân bên trong có cảm giác béo ngậy, đỗ xanh phải nghiền nát mịn, trộn với hạt tiêu rồi mới nặn thành nhân bánh", bà Mười nói.
Gia đình bà Xuân Mười chuẩn bị lá gói bánh cho ngày tiếp theo
Gia đình bà Xuân Mười chuẩn bị lá gói bánh cho ngày tiếp theo

Anh  Nguyễn Văn Tình, 30 tuổi, nhân viên làm bánh lâu năm tại gia đình bà Xuân, cho biết, hằng ngày anh phải dậy từ 4 giờ sáng để chuẩn bị nguyên liệu, 1 ngày khoảng 2 mẻ bánh sáng và chiều, mỗi mẻ từ 10 -15 nồi, mỗi nồi từ 70 -100 chiếc bánh. Luộc nồi nhỏ phải đợi 7 tiếng đồng hồ và nồi to phải đợi 9 tiếng đồng hồ. Mẻ chiều đến 2 giờ sáng hôm sau mới có thể vớt. 

Những năm gần đây, các hộ làm bánh tại làng nghề truyền thống bánh chưng làng Bạc còn mở rộng thị trường, đến một số nước lân cận như Lào, Campuchia, Thái Lan...

Nghề làm bánh Chưng đã giúp các hộ gia đình có nguồn thu nhập khá. Thời kỳ cao điểm, cận Tết, thợ làm bánh trung bình được trả 500.000 đồng/ngày.

Bà Tý Hương, một người dân trong làng, tâm sự: “Thợ làm bánh chưng phải thức khuya, dậy sớm chứ không theo giờ hành chính 8 tiếng một ngày. Gói bánh chưng đã là một thói quen, một nếp sống của gia đình từ bao đời nay. Gia đình tôi làm quy mô nhỏ, lao động chính là các thành viên trong gia đình, ai cũng có thể tham gia làm bánh”.

Những chiếc bánh Chưng gói tay nhưng đẹp không kém đúc khuôn của gia đình bà Tý Hương
Những chiếc bánh Chưng gói tay nhưng đẹp không kém đúc khuôn của gia đình bà Tý Hương

Bên các chung cư cao chọc trời, giữa tần tầng lớp lớp nhà cao tầng mọc lên ngày càng nhiều hơn, những nồi bánh chưng thơm phức của làng Bạc tạo một góc riêng, độc đáo cho Thủ đô mỗi độ Tết về...

Đọc thêm