Nghẹn dòng Nhuệ Giang

(PLO) - Từ công tác nạo vét, kè bờ, cải tạo môi trường nước đến chống lấn chiếm hành lang sông đều đang bị tắc, dòng Nhuệ Giang đang “kêu cứu”. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng vẫn loay hoay với những giải pháp chưa kiên quyết.
Sông Nhuệ ngập rác thải. (Ảnh: Báo Tiền Phong)
Sông Nhuệ ngập rác thải. (Ảnh: Báo Tiền Phong)

Lấn chiếm khủng khiếp

Sông Nhuệ thời hoàng kim từng trong xanh, tàu thuyền đi lại tấp nập. Những người dân nay là trung niên đều cho biết thời thanh niên họ từng xuống tắm táp, dạo thuyền trên dòng sông lãng mạn. Thế nhưng, từ hơn 10 năm nay, con sông quan trọng trong việc thoát lũ, tưới tiêu cho hơn 10 quận nội, ngoại thành Hà Nội chẳng khác nào một con kênh, dòng nước đen ngòm.

Lội xuống lòng sông Nhuệ đoạn chảy qua xã Hữu Hòa và Tả Thanh Oai (huyện Thanh Trì), cảm giác ngộp thở bởi các công trình nhà tạm và kiên cố đang “nuốt” không gian của sông. Có điều lạ là, không ít hộ dân khi được hỏi đã cãi lý: “Chúng tôi đã ở đây từ năm 1980. Đương nhiên có quyền sinh sống!?”.

Ông Tưởng Văn Chúc - Chủ tịch UBND xã Hữu Hòa khẳng định, tất cả các công trình xây dựng tạm bợ dọc bờ sông Nhuệ trên địa bàn đều vi phạm hành lang bảo vệ sông, chiểu theo Luật Đất đai đều thuộc diện lấn chiếm. Ông Chúc cũng chia sẻ câu chuyện, từ chục năm trước có hơn chục hộ dân xây dựng nhà trong làng, đến gặp chính quyền mượn đất rìa sông làm nhà ở tạm, nhưng sau khi được tạo điều kiện, các hộ dân xây nhà xong, chính quyền yêu cầu trả lại hiện trạng đất thì họ chây ỳ không muốn trả. “Nay, cùng với việc thực hiện Năm kỷ cương hành chính 2017 và Kế hoạch giải quyết vi phạm về trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, công cộng, là cơ hội để địa phương “đòi” lại hành lang sông Nhuệ đã bị lấn chiếm nhiều năm”.

Cũng theo ông Chúc, đầu năm 2017 các ban, ngành đoàn thể của xã đã phối hợp, tuyên truyền tháo dỡ được 20 công trình. Song, đó vẫn là con số quá nhỏ so với hơn 200 công trình lấn sông. Thực tế tại xã Tả Thanh Oai, tình trạng nhức nhối cũng diễn ra nhiều năm với 369 trường hợp lấn sông, chưa kể các hộ phát sinh, “giằng co” với chính quyền xã bằng cách nay đập, mai dựng, hoặc đập đằng trước, lấn đằng sau. Nhiều hộ dân và chính quyền xã cho biết, đây là vấn đề do “lịch sử để lại”, nhiều năm chưa xử lý dứt điểm. Không ít hộ thừa nhận do đời cha ông lấn đất làm nhà tạm, hứa sẽ chấp hành việc di dời, nhưng còn nghe ngóng, chờ các hộ chung quanh tháo dỡ mới chấp hành.

Ông Nguyễn Tiến Hưng - Chủ tịch UBND xã Tả Thanh Oai cho biết: “Những hộ có sổ đỏ, hoặc có hiển thị trên bản đồ năm 1994 thì chúng tôi sẽ để từ từ xin ý kiến chỉ đạo, còn các trường hợp khác dần dần phải tuyên truyền tháo dỡ”

Chưa có cách tháo gỡ

Lãnh đạo các địa phương và cả những người dân đều nhận thấy dòng Nhuệ Giang ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến dòng chảy, đời sống hàng chục vạn dân. Thế nhưng với tổng chiều dài gần 64km, điểm đầu của sông là cống Liên Mạc (quận Bắc Từ Liêm), chảy qua quận Nam Từ Liêm, Hà Đông, huyện Thanh Trì, Thường Tín, Phú Xuyên, Ứng Hòa tới TP Phủ Lý (Hà Nam), hành lang bảo vệ sông có tới hơn 4.000 trường hợp lấn chiếm. Trong đó, những điểm “nóng” là phường Trung Văn, Mỹ Đình 1, Cầu Diễn (Nam Từ Liêm) và xã Tả Thanh Oai (Thanh Trì).

Theo tìm hiểu, từ các năm 1995, 2008, 2011 thành phố Hà Nội đều có những chiến lược giải tỏa các công trình vi phạm hành lang bảo vệ sông Nhuệ. Tuy nhiên, việc thực thi không triệt để, chỉ một số ít trường hợp bị xử lý, nên khi chiến lược lắng xuống, người dân lại tái lấn chiếm và sông Nhuệ đã chẳng những không được cứu, mà hiện tượng xả rác thải, phế thải công trình xây dựng còn làm dòng sông thêm nghẹn ứ. Hay như năm 2008 Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định phê duyệt “Đề án tổng thể bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy đến năm 2020”.

Năm 2009, Chính phủ tiếp tục có Quyết định thành lập Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy để tổ chức chỉ đạo, điều phối liên ngành, liên vùng nhằm thực hiện thống nhất và có hiệu quả các nội dung của Đề án trên. Song, việc triển khai đã không mấy hiệu quả, phía các địa phương gần như lâm vào bế tắc.

Một vấn đề khác, sau rất nhiều kiến nghị từ các địa phương, việc cắm mốc chỉ giới mới được thực hiện vào đầu năm 2014, và ngày 8/10/2014 UBND TP Hà Nội mới có Quyết định 5168/QĐ-UBND về việc phê duyệt chỉ giới hành lang bảo vệ công trình thủy lợi sông Nhuệ, bàn giao cho Công ty TNHH Đầu tư phát triển thủy lợi Sông Nhuệ và các xã có sông Nhuệ chảy qua để quản lý.

Làm việc với lãnh đạo huyện Thanh Trì, được biết nhiều năm hành lang bảo vệ sông không được cắm mốc chỉ giới, việc quản lý đất đai khó khăn do có nhiều dạng lấn chiếm, nhiều hộ lấn chiếm nhưng có sổ đỏ từ thời Pháp, thành phố cũng phân công cho một đơn vị chuyên trách quản lý là Công ty TNHH Đầu tư phát triển thủy lợi Sông Nhuệ, nhưng hoạt động thiếu hiệu quả.

Ông Nguyễn Mạnh Hiến, Phó Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường Thanh Trì, nhấn mạnh: “Vì nhiều điều kiện khó khăn nên trong các biện pháp, chúng tôi chỉ vận động người dân tự tháo dỡ công trình vi phạm, chứ không cưỡng chế do quá nhiều vướng mắc từ trước đó mà chúng tôi phải chờ hướng dẫn cụ thể hơn của thành phố”.

Ở cấp cao hơn, ông Vũ Văn Nhàn - Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì cho biết, huyện đang hướng dẫn xã Hữu Hòa, Tả Thanh Oai kiểm tra, xác định nguồn gốc đất, đo đạc, lập bản đồ giải thửa các công trình dọc hai bờ sông Nhuệ. Đội thanh tra xây dựng huyện cùng Phòng Tài nguyên và Môi trường xử lý vi phạm về đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn.

Là một trong những địa phương xảy ra tình trạng lấn chiếm nghiêm trọng là quận Nam Từ Liêm - có tốc độ đô thị hóa chóng mặt, nhiều diện tích lấn chiếm bên bờ sông đã được xây nhà kiên cố, nhiều nhà tạm tiếp tục được cải tạo kiên cố hóa.

Ông Nguyễn Trung Nghĩa — Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường quận Nam Từ Liêm cho biết, quận đã chỉ đạo sát sao các phường phải giám sát, xử lý nghiêm các hộ lấn chiếm, tái lấn chiếm. Còn việc giải phóng hành lang sông Nhuệ, ông Nghĩa kiến nghị cần có cơ chế bố trí tái định cư, bởi nhiều hộ dân đã sinh sống từ nhiều năm nay.

“Chúng tôi cũng ước có đủ nguồn lực, được thành phố tạo cơ chế, làm đường hai bên dòng sông để tạo mỹ quan đô thị”, ông Nghĩa nhấn mạnh.

Rõ ràng, tại Quyết định 5168/QĐ-UBND, lãnh đạo TP Hà Nội cũng giao cho các địa phương phải quản lý chặt chẽ, xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm phạm vi bảo vệ công trình. Ấy thế nhưng, Dự án kè bờ sông Nhuệ đã được triển khai từ năm 2015 nhưng hết sức chậm chạp, các địa phương còn lúng túng, buông lỏng quản lý. 

Lãnh đạo Chi cục Thủy lợi Hà Nội cho rằng, tình trạng lấn chiếm trên sông Nhuệ rất nghiêm trọng, đòi hỏi trách nhiệm của chính quyền các địa phương có sông Nhuệ chảy qua phải được nâng cao. Thế nhưng với những gì đang diễn ra, chưa biết đến bao giờ sông Nhuệ mới được “cứu”, trả lại dòng chảy vốn có của dòng sông.

Đọc thêm