Tại sao có Luật Thủ đô, Hà Nội vẫn cần chính sách đặc thù về tài chính – ngân sách?

(PLVN) - Mặc dù Quốc hội đã ban hành Luật Thủ đô năm 2012, Nghị định số 63/2017/NĐ-CP , nhưng trước yêu cầu phát triển mới, Hà Nội vẫn cần có những cơ chế tài chính đặc thù, khác so với một số luật hiện hành.
Cổng chào vào thành phố Hà Nội. (Ảnh minh họa)
Cổng chào vào thành phố Hà Nội. (Ảnh minh họa)

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã nhấn mạnh như trên khi trình bày trước Quốc hội Tờ trình dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội tại phiên họp sáng 9/6, Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV.

Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, xuất phát từ yêu cầu thực tế phát triển của Thủ đô Hà Nội. Thời gian qua, Hà Nội đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội và tài chính – ngân sách của cả nước. 

Tuy nhiên, tốc độ đô thị hóa và tình trạng gia tăng dân số cơ học nhanh đã gây sức ép lớn đối với hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội, gây tình trạng ô nhiễm, ùn tắc giao thông, mất mỹ quan đô thị và các vấn đề về an ninh trật tự xã hội.

Mặc dù Quốc hội đã ban hành Luật Thủ đô năm 2012, đồng thời, căn cứ quy định của Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015, Chính phủ đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi ban hành Nghị định số 63/2017/NĐ-CP quy định một số cơ chế tài chính ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội, nhưng trước yêu cầu phát triển mới đòi hỏi phải có những cơ chế tài chính đặc thù, khác so với một số luật hiện hành cho phù hợp với yêu cầu phát triển, quy mô kinh tế - xã hội, trình độ và yêu cầu quản lý kinh tế - xã hội đối với thành phố Hà Nội.

Do vậy, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, trong khi chờ tổng kết để sửa Luật Thủ đô năm 2012, Chính phủ trình Quốc hội ban hành thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội.

Theo đó, dự thảo Nghị quyết quy định cho thành phố Hà Nội được thí điểm một số cơ chế, chính sách về quản lý tài chính - ngân sách đặc thù thuộc thành phố quản lý như quản lý thu ngân sách nhà nước; quản lý chi ngân sách nhà nước; mức dư nợ vay (nâng mức trần nợ vay từ 70% lên 90% trên nguyên tắc Thủ đô phải đảm bảo khả năng trả nợ) và sử dụng Quỹ dự trữ tài chính (cho phép tạm ứng Quỹ dự trữ tài chính của thành phố để đầu tư hạ tầng và bảo đảm thu hồi trong thời hạn 36 tháng)… 

Trong đó, quy định thời gian thực hiện thí điểm là 5 năm và xác định rõ trách nhiệm của thành phố Hà Nội, Chính phủ trong việc thực hiện Nghị quyết. 

Đọc thêm