Hà Nội trong ký ức người lính năm xưa

(PLO) - Tuy có may mắn “đi qua” mùa hè đỏ lửa ở thành cổ Quảng Trị năm 1972, nhưng ông Tường luôn đau đáu với đồng đội đã mãi mãi ở lại với tuổi thanh xuân, với những kí ức về Hà Nội những năm tháng ấu thơ, những năm 50,60 của thế kỉ trước dường như vẫn vẹn nguyên trong kí ức người lính năm xưa…
Ông Tường (đeo kính) chụp chung với vợ chồng chị Chuyên. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Ông Tường (đeo kính) chụp chung với vợ chồng chị Chuyên. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Cựu binh Lê Xuân Tường, (SN 1952 tại Hà Nội) là một trong hàng ngàn những người lính sinh viên hào hoa ra trận mùa thu năm 1971. Ông cùng thế hệ và là đồng đội chiến đấu với liệt sỹ Nguyễn Văn Thạc chủ nhân cuốn nhật kí “Mãi mãi tuổi 20”.

Ngõ nhỏ, nhà tôi ở đó

Ông kể, “ngày ấy ngõ mang tên Tân Hưng, sau này nó được mang tên Tức Mạc (trên phố Trần Hưng Đạo), tên làng quê phát tích của triều đại nhà Trần, thuộc huyện Mỹ Lộc, Nam Định. Ngôi nhà của ông nội tôi xây gồm 2 khối nhà 2 tầng. Khối nhà ngoài mang biển số nhà 14 được xây năm 1920 nhưng đi chung vào cổng số 16. Khối nhà trong dùng làm nhà khách và nhà thờ. Kiến trúc của 2 khối nhà mang đậm màu sắc đầu thế kỷ XX. Gian giữa của khối nhà này chính là nơi tôi lớn lên, nơi gắn liền với những kỷ niệm tuổi thơ, nơi từ đây tôi đã chia tay gia đình để thành một người lính mà trong những đêm dài của chiến tranh, hình ảnh thân thương ấy luôn trở về khắc khoải.

Những năm cuối của thập kỷ 50, ngõ nhỏ nhà tôi thật là vắng vẻ như Hà Nội lúc bấy giờ. Đầu ngõ sừng sững một cây gạo cổ thụ rồi đến những cây bàng, cây sấu cùng với những cây hồng xiêm, roi, na, nhãn, ổi… và một bụi tre vàng bên nhà 101 (vốn là biệt thự của con rể Hoàng Trọng Phu, con trai Hoàng Cao Khải, nay là Trụ sở của Viện Khoa học giáo dục Việt Nam) làm thành những tán cây mát rượi những trưa hè oi ả. Dịp tháng ba, nếu đi từ phía phố Quang Trung về chúng tôi đã nhận ra sắc đỏ rực của những bông hoa gạo nơi đầu ngõ nhỏ thân thương.

Ngõ nhà tôi ngoài mấy cây hoàng lan ở ngõ ngoài còn hai cây ở nhà số 18 và 24. Dọc dãy tường rào của nhà 101 ở đầu ngõ là rặng ti-gôn với những bông hoa nhỏ bằng đầu ngón tay út màu hồng, màu xanh hình trái tim vỡ. Dây leo của loại hoa này theo đường dây điện bám lên hiên tầng 2 của nhà số 1 và rủ xuống từng chùm rất lãng mạn, tựa như các tiểu thuyết của Tự lực Văn đoàn đều có bóng dáng đâu đó của ti-gôn, của hoàng lan, ngọc lan… Dường như cái ngõ nhỏ này những năm ấy suốt 4 mùa đều phảng phất mùi hương của cuộc sống thanh bình.

Bên số chẵn của ngõ bắt đầu là nhà số 2 và kết thúc ở số nhà 24. Số nhà 24 là tòa biệt thự 2 tầng tuyệt đẹp của bác sĩ Trần Văn Lai. Ông làm Đốc lý Hà Nội sau ngày Nhật đảo chính Pháp. Ông có công trong việc cho giật đổ các bức tượng thực dân Pháp dựng lên như tượng Paulbert ở vườn hoa Lý Thái Tổ hiện nay, tượng đầm xòe ở vườn hoa Cửa Nam…và đổi tên các phố ở Hà Nội mang tên tây của thực dân sang tên Việt mang tên các anh hùng dân tộc. Sau giải phóng Thủ đô ông là Phó Chủ tịch Ủy ban hành chính Hà Nội. 

Cư dân của ngõ đến thời điểm đầu những năm 60 ngoài một số ít gia đình ở từ khi lập ngõ những năm 20 còn có một số gia đình viên chức nhỏ, công nhân làm tại ga Hàng Cỏ. Sau khi Pháp chiếm Hà nội cuối năm 1946, một số gia đình, trong đó có gia đình tôi ra vùng kháng chiến và ngõ Tức Mạc thêm một bộ phận dân cư mới là những người hồi cư từ vùng kháng chiến về và những gia đình ở các tỉnh lân cận đưa con cái lên Hà Nội để tránh bom đạn. Ngõ cũng đông dần lên nhưng nếp sống vẫn bình lặng yên ả”.

Thương nhớ mười hai

Không chỉ chuyện những con phố, ngõ nhỏ của Hà Nội, trong trí nhớ của người cựu binh Lê Xuân Tường còn vẹn nguyên Hà Nội xưa qua những món ăn thân thuộc, ngon lành. Theo trí nhớ của ông, “sớm ra những tiếng rao lanh lảnh của bà bán bánh cuốn Thanh Trì đội đầu mở đầu cho một ngày. Những miếng bánh cuốn mỏng mướt được rải trên lớp lá chuối đặt trong thúng, cạnh đó là những khoanh chả quế vàng rộm. Bà hàng bánh cuốn mặc áo tứ thân nâu đon đả mời khách, bà nhớ từng khẩu vị của thực khách như người này thích ăn cay, người kia không ăn kèm chả. 

Tiếp đó là những người bán xôi đậu xanh, xôi đậu đen, xôi lạc cũng đội đầu vào ngõ. Thứ xôi mà tôi thích nhất từ nhỏ là xôi lúa (xôi ngô), xôi xéo mua của bà hàng xôi ngồi ở trước cửa ga, nay là trạm khách 99 của quân đội. Dạo ấy khi còn nhỏ u già thường cõng tôi ra đấy mua xôi cho cả nhà. Mãi đến những năm 80 sau này khi tôi đã có con, hơn ba chục năm sau thỉnh thoảng cho cháu ra mua xôi của bà, bà vẫn nhớ và nói với những người ăn: “Cậu này ăn xôi của tôi từ khi ngồi trên lưng u già và bây giờ đến lượt con cậu ấy”. Bà hàng xôi là người làng Hoàng Mai, sau này con dâu và các cháu của bà vẫn tiếp tục theo nghề nhưng chuyển ra ngồi ở góc Yết Kiêu và Nguyễn Du.

Tầm 10 giờ là đến lượt bà hàng bún ốc nhà ở Khâm Thiên nhưng gốc người làng Khương Thượng. Những con ốc bươu, ốc nhồi béo ngậy nóng hổi được bàn tay thoăn thoắt của bà nhể ra rồi chan nước vào cùng đĩa bún con, hoa chuối, rau muống chẻ và rau thơm đặt trong một cái mẹt nhỏ cho từng người ăn, thưởng thức một lần là nhớ mãi. 

Những năm trước 1960, đầu ngõ Tức Mạc, góc phố Phan bội Châu với Trần Hưng Đạo là những hàng phở gánh bán cả ngày lẫn đêm để phục vụ khách đi tàu. Đi đâu về đến đầu ngõ là sực nức mùi phở béo ngậy thơm lừng mùi quế, hồi. Chúng tôi rất thích món cơm nguội chan nước phở để ăn, nước phở xin không mất tiền chưa kể đúng lúc người bán phở vớt xương trong nồi hầm ra đãi lũ trẻ con, đấy cũng chính là món “bốc mả” ngon tuyệt cho các ông thợ đi làm ca đêm về. Sau đó các quán này giải tán dần nghe nói phải vào hợp tác xã và chỉ còn ở ngõ Hàng Cỏ là còn hàng phở, kiêm hàng cơm. Cư dân ở trong ngõ muốn ăn phở phải ra ăn phở ở mậu dịch ga với giá 3 hào một bát phở bò, trẻ con làm gì có tiền để ăn phở, nước phở xin về ăn với cơm nguội cũng chẳng còn nữa.

Cư dân trong ngõ nhà tôi phần lớn là những công nhân nghèo hoặc bán hàng trước cửa ga, đối xử với nhau rất thân tình, thấm đẫm tình người. Tôi nhớ ngày ấy mẹ tôi thường đến tiêm thuốc cho bà con xung quanh. Hoa quả, trái cây đầu mùa hay lộc đi lễ về bà con hàng xóm láng giềng chia sẻ nhau rất đỗi ấm áp...” .

Đọc thêm