Cuối năm, khi nói chuyện về giao thông của Đà Nẵng, chúng tôi ngồi nhìn lại bản đồ của thành phố và chợt phát hiện ra nó có một mạng đường sá như một bàn tay năm ngón mạnh mẽ. Về phía Tây và Tây Bắc, là những con đường Nguyễn Tất Thành, Điện Biên Phủ và quốc lộ 14 B chạy về phía hầm đường bộ Hải Vân, quốc lộ 1A và đường Liên Á, biểu tượng một sự kết nối cho phát triển liên vùng.
Về hướng Đông Nam, có con đường qua cầu dây võng Thuận Phước kéo dài theo bờ biển và con đường khác qua cầu Tuyên Sơn rẽ theo hướng đô thị cổ - di sản văn hóa Hội An để tiếp tục đến khu đền tháp Mỹ Sơn cổ kính. Có người còn ví von đó còn là một ngôi sao năm cánh rạng rỡ hướng về quá khứ lẫn tương lai...
Nhưng đó là các suy tưởng mang nhiều thi vị. Nói riêng về phương diện giao thông, do vị trí địa lý đặc thù, Đà Nẵng khó có thể quy hoạch các tuyến giao thông theo đường xoắn ốc mà các đô thị hiện đại đang thực hiện. Với 5 con đường có 4 làn xe chạy theo hai chiều nêu trên là một tính toán khá khả thi để giải quyết bài toán giao thông cho Đà Nẵng với quy mô 1,5 triệu dân trở lại. Theo lý thuyết, mạng lưới giao thông như vậy sẽ giúp cho mọi loại phương tiện có thể thoát ra khỏi trung tâm thành phố trong vòng 5 đến 10 phút. Nhiều thành phố ở Đông Nam Á như Singapore, Korat (Thái Lan) đã đạt điều kiện đó. Vậy thì tại sao Đà Nẵng ngay từ bây giờ vẫn đã xảy ra tình trạng kẹt xe, vẫn còn nhiều điểm đen tai nạn giao thông hằng năm cướp đi sinh mạng hàng trăm người một cách oan uổng!
Trước hết cần thấy rằng, hệ thống chợ, bến xe, trường học của thành phố chậm được điều chỉnh. Nó vẫn tồn tại và phát triển như trước. Chứng minh cho lập luận này, có thể nêu ra vài bằng chứng: Các chợ lớn đều bám vào trục đường từ Đông sang Tây, từ chợ Hàn, chợ Cồn lên chợ Thanh Khê, Hòa Khánh, Hòa Phát... Gần đây các siêu thị lớn như Big C, Bài Thơ, Co-opMart lại tiếp tục xây dựng trên trục này. Bên cạnh chợ, siêu thị là các bến xe, dời từ chợ Vĩnh Trung lên Bến xe Liên tỉnh ở phường Chính Gián rồi lên gần khu vực ngã ba Huế thuộc phường Hòa Minh... Cùng với mật độ người mua bán, xe cộ ra vào nhộn nhịp cả ngày lẫn đêm, cộng với hậu quả của việc đường sắt cắt ngang trên trục chính lẫn các trục phụ Lê Độ, Mẹ Nhu và chiều dài các phố thương mại sầm uất đã tạo nên nạn kẹt xe và tai nạn giao thông là khó tránh khỏi. Ngày thường đã vậy, những dịp lễ hội, Tết càng đáng lo ngại hơn.
Đối với mạng lưới trường học, có thể thấy nó hiện hữu theo trục Bắc Nam trên cụm tuyến Lê Lợi, Phan Châu Trinh, Nguyễn Chí Thanh, Yên Bái: Từ Trường Nguyễn Khuyến đến Phan Châu Trinh, Trần Phú, Phan Thanh, Kim Đồng, Phù Đổng, Trưng Vương, Cao đẳng Đông Du, Trần Hưng Đạo... với hàng vạn học sinh và xe cá nhân tham gia giao thông lúc đến trường và giờ tan học. Làm sao không kẹt xe và va quẹt với số học sinh đông như vậy! (chưa kể giờ đi học và tan trường cũng là giờ đi làm và tan sở của hàng ngàn công, tư chức ở khu vực trung tâm thành phố).
Bất hợp lý về quy hoạch là một trong những nguyên nhân tạo nên ách tắc giao thông và gây nhiều tai nạn là điều có thể thấy được. Bên cạnh đó, khi không gian đô thị đã mở rộng ra hơn 5 lần không gian cũ, cũng cần nghĩ đến việc quy hoạch những khu trung tâm mới ở các quận, huyện để “chia lửa” với mật độ dân cư ở khu trung tâm cũ. Những trung tâm “vệ tinh” như vậy không thể chỉ tồn tại với các khu dân cư mà kèm theo đó là các thiết chế và hạ tầng phúc lợi công cộng. Tuy nhiên, lại nhìn thấy những bất cập ở nhiều khu dân cư mới: thiếu rạp hát, công viên, chợ, trường học tương thích!
Cho nên, phát triển hạ tầng giao thông bao giờ cũng cần có một quy hoạch tương thích về các cơ sở hạ tầng phúc lợi công cộng khác. Các nhà khoa học từng kết luận giao thông càng mở ra, ách tắc giao thông càng lớn hơn là vì vậy!
TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG