|
Làng quê Hải An (Hải Hậu) hôm nay. Ảnh: Dương Đức
|
Sau nhiều năm thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong sản xuất nông nghiệp, đến nay, các mô hình kinh tế trang trại ở Hải An (Hải Hậu) đã có nhiều khởi sắc. Khoa học, kỹ thuật được áp dụng rộng rãi vào sản xuất nông nghiệp. Các mô hình nuôi, trồng thử nghiệm các loại cây, con giống đã chọn nhiều giống mới có năng suất cao, phù hợp với điều kiện địa phương. Với cơ cấu đàn vật nuôi phong phú, Hải An đang hình thành vùng trang trại nuôi lợn, gia súc, gia cầm. Nhiều hộ phát triển kinh tế theo mô hình VAC, VACR đem lại hiệu quả kinh tế cao, thu nhập từ 70 đến 100 triệu đồng/năm.
Trong sản xuất nông nghiệp, xã chú trọng tới chuyển đổi cơ cấu giống, cơ cấu cây trồng. Đối với cây lúa, xã mở rộng diện tích trà xuân muộn, trà mùa sớm... đưa bộ giống lai, cho năng suất cao và lúa chất lượng cao thay thế các giống lúa địa phương năng suất thấp, đồng thời áp dụng tích cực các biện pháp khoa học kỹ thuật vào thâm canh, nên những năm gần đây, năng suất lúa của xã bình quân đạt 230-250kg/sào/vụ. Khắc phục khó khăn do địa hình canh tác không bằng phẳng, xã tuyên truyền, vận động xã viên dồn điền đổi thửa, chuyển đổi chân ruộng trũng cấy lúa kém hiệu quả sang chăn nuôi, trồng trọt... thu hút đông đảo bà con nông dân tham gia. Đến nay, trên địa bàn xã đã có trên 20ha diện tích cấy lúa kém hiệu quả được nông dân chuyển đổi sang các mô hình sản xuất tổng hợp với nhiều con nuôi mới, cây trồng mới để tăng hiệu quả kinh tế. Xã chỉ đạo các đoàn thể, phối hợp với các doanh nghiệp trên địa bàn mở các lớp dạy nghề thêu ren, chế tác đá, đan các mặt hàng truyền thống từ nguyên liệu tre... để nông dân có việc làm, tăng thu nhập trong lúc nông nhàn. Bằng nhiều giải pháp chuyển đổi cơ cấu kinh tế, trong năm 2010 xã đã giảm được 3% tỷ lệ hộ nghèo.
Thời gian tới, xã Hải An tiếp tục khuyến khích, tạo điều kiện cho nông dân nhân rộng mô hình lúa, cá, VAC tổng hợp để khắc phục khó khăn do địa hình canh tác, đồng thời phối hợp với các ngành chức năng, với doanh nghiệp trên địa bàn tổ chức các lớp dạy nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn để người dân có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống./.