Hai “đại gia” bắt tay

“Thế giới có đủ chỗ cho cả Trung Quốc và Ấn Độ phát triển”, Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã khẳng định trong chuyến công du New Delhi 3 ngày. Đây là chuyến thăm Ấn Độ đầu tiên của một Thủ tướng Trung Quốc trong 5 năm qua cùng lãnh đạo của hơn 300 doanh nghiệp với cam kết mạnh mẽ về “tình hữu nghị và hợp tác”.
“Thế giới có đủ chỗ cho cả Trung Quốc và Ấn Độ phát triển”, Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã khẳng định trong chuyến công du New Delhi 3 ngày. Đây là chuyến thăm Ấn Độ đầu tiên của một Thủ tướng Trung Quốc trong 5 năm qua cùng lãnh đạo của hơn 300 doanh nghiệp với cam kết mạnh mẽ về “tình hữu nghị và hợp tác”. 

Các thỏa thuận trị giá hơn 16 tỷ USD đã được ký kết giữa 2 nền kinh tế đang tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Thương mại song phương cũng sẽ được tăng gấp đôi, đạt 100 triệu USD vào năm 2015, mặc dù người Ấn Độ vẫn quan ngại rằng, quốc gia Nam Á này có thể thành thị trường phá giá với hàng hóa rẻ ồ ạt từ Trung Quốc.

Hai “người khổng lồ” châu Á chiếm hơn 1/3 dân số thế giới và đối đầu trong cuộc chiến tranh vào năm 1962 nhưng quan hệ hiện nay vẫn không dễ dàng gì, nhất là tranh chấp chủ quyền đối với đường biên giới chung dài 3.500km. Ngoài ra, Ấn Độ hoài nghi về tham vọng của Trung Quốc ở khu vực cũng như về mối quan hệ của Bắc Kinh với những người láng giềng Pakistan, Sri Lanka, Nepal. Người đứng đầu Chính phủ Trung Quốc bày tỏ thiện chí rằng, Bắc Kinh và New Delhi là đối tác, chứ không phải là đối thủ, đồng thời sự tăng trưởng kinh tế nhanh giữa Trung Quốc và Ấn Độ còn là động lực quan trọng cho nền kinh tế thế giới.

Mục đích của Thủ tướng Ôn Gia Bảo đến Ấn Độ là xây dựng lòng tin và thúc đẩy các liên kết kinh tế. Lòng tin chưa hẳn thể hiện qua những hợp đồng trị giá hàng triệu USD như thế mà còn là “những cái bắt tay” nồng ấm xóa bỏ sự dị biệt, bất đồng. Hơn nữa, đây cũng là một phần nỗ lực nhằm làm giảm ảnh hưởng của Mỹ ở Ấn Độ. 

Thực tế, không chỉ các nhà lãnh đạo Trung Quốc mà cả Mỹ lẫn châu Âu đều muốn tiến gần Ấn Độ. Không phải ngẫu nhiên mà Tổng thống Mỹ Barack Obama, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, Thủ tướng Anh David Cameron đều lần lượt hiện diện tại đất nước Nam Á này thời gian gần đây. Bắc Kinh hiện là đối tác thương mại lớn nhất của New Delhi và trao đổi 2 chiều đạt đến 60 tỷ USD trong năm 2010, so với năm 2004 là 13,6 tỷ USD. Theo các nhà phân tích, thâm hụt của Ấn Độ với Trung Quốc có thể ở mức 24-25 tỷ USD trong năm nay. Trong khi đó, con số này vào năm 2007-2008 là 16 tỷ USD, năm 2001-2002 là 1 tỷ USD.

VĨNH AN

Đọc thêm