Hải Hậu xây dựng các mô hình sản xuất giống lúa

Trong số gần 11 nghìn ha canh tác lúa của huyện Hải Hậu hình thành các vùng rõ rệt. Vùng cao hạn chiếm khoảng 10% diện tích thuộc các xã Hải Thanh, Hải Hà, Hải Phúc, Hải Hưng, Hải Nam; vùng ruộng trũng chiếm 15-20% diện tích, thuộc xã Hải Toàn, Hải An, Hải Phong, Hải Ninh...; vùng đất bị ảnh hưởng chua mặn khó canh tác chiếm 7% ở các xã Hải Đông, Hải Lý, Hải Hòa, thị trấn Cồn và Thịnh Long, còn lại là vùng nước tự chảy.

Gieo mạ vụ Xuân 2011 tại HTX Trà Trung, xã Hải Nam (Hải Hậu).  Ảnh: Dương Đức
Gieo mạ vụ Xuân 2011 tại HTX Trà Trung, xã Hải Nam (Hải Hậu).
Ảnh: Dương Đức

Trong số gần 11 nghìn ha canh tác lúa của huyện Hải Hậu hình thành các vùng rõ rệt. Vùng cao hạn chiếm khoảng 10% diện tích thuộc các xã Hải Thanh, Hải Hà, Hải Phúc, Hải Hưng, Hải Nam; vùng ruộng trũng chiếm 15-20% diện tích, thuộc xã Hải Toàn, Hải An, Hải Phong, Hải Ninh...; vùng đất bị ảnh hưởng chua mặn khó canh tác chiếm 7% ở các xã Hải Đông, Hải Lý, Hải Hòa, thị trấn Cồn và Thịnh Long, còn lại là vùng nước tự chảy. Để chủ động nguồn giống tốt, góp phần tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp, huyện Hải Hậu đã khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các xã, HTX tham gia sản xuất giống lúa, làm các mô hình giống mới để lựa chọn được các giống lúa phù hợp với điều kiện đồng đất canh tác ở từng địa phương.

Công tác sản xuất giống lúa đã được triển khai nhiều năm tại Hải Hậu nhưng mấy năm nay mới thực sự sôi động, thu hút nhiều đơn vị tham gia. Quy trình sản xuất được phối hợp có hiệu quả giữa các trung tâm khuyến nông của tỉnh, huyện, các Cty giống cây trồng với các HTX và xã viên. Nông dân được hỗ trợ hoàn toàn hoặc một phần về giống lúa gốc, được tập huấn kỹ thuật từ khi gieo cấy tới lúc thu hoạch và được bao tiêu toàn bộ sản phẩm với giá hợp lý. Để bảo đảm thuận lợi cho sản xuất lúa giống, các HTX đều thực hiện quy vùng, lựa chọn các đội sản xuất có điều kiện đồng đất, hệ thống tưới tiêu bảo đảm. Trung bình mỗi vụ, huyện Hải Hậu sản xuất gần 10 giống lúa mới, năng suất, tiêu chuẩn chất lượng, phù hợp với nhu cầu canh tác của nhiều địa phương. Năm 2006, diện tích sản xuất lúa giống của huyện đạt gần 20ha, được triển khai ở các HTX Toàn Thắng (Hải Toàn), Phú Lễ (Hải Châu), Hải Thanh, Hải Trung, Hải Phú, Hải Lộc, Hải An. Năm 2010 đã mở rộng lên gần 90ha. Một số HTX có diện tích sản xuất lúa giống nhiều là Trà Trung (Hải Nam) 35ha, Hải Thanh 22,2ha, Toàn Thắng (Hải Toàn) 11ha, Phú Lễ 9ha… Ngoài các HTX có truyền thống sản xuất giống lúa, vụ mùa năm 2010, các HTX Hải Trung, Hải Quang, Hải Tân lần đầu tiên tham gia sản xuất giống lúa thuần Bắc Thơm số 7, LQ, diện tích từ 2,5-4,5ha. Tiêu biểu như mô hình sản xuất lúa lai F1 tổ hợp VL20, diện tích 3ha tại HTX Toàn Thắng và Hải An, năng suất bình quân đạt 105kg/sào, trừ chi phí, các hộ xã viên có thu trên 1 triệu đồng/sào; sản xuất hạt lai F1 tổ hợp TH3-3, diện tích 5ha, năng suất 100kg/sào. Giống lúa PC của Viện Cây lương thực, thực phẩm sản xuất tại HTX Hải Hà, diện tích 3 sào cho năng suất thực thu 210kg/sào và đang được tiếp tục nhân rộng trong nhiều HTX khác như Hải Tây, Hải Bắc… do chất lượng gạo ngon, thời gian sinh trưởng ngắn. Các HTX Hải Thanh, Phú Lễ, Hải Trung, Hải Phú, Hải Lộc… tổ chức nhân lọc giống lúa thuần N46, NĐ5…, cho năng suất, chất lượng tốt. HTX Trà Trung có diện tích sản xuất giống lúa đạt 35ha, cao nhất huyện với các giống chủ yếu gồm Bắc Thơm số 7 và Q5, N46, Việt Hương Chiếm, cung ứng cho Cty cổ phần giống cây trồng Nam Định, Cty TNHH Cường Tân. Đồng chí Trần Minh Thuần, chủ nhiệm HTX Trà Trung cho biết: Công tác sản xuất lúa giống được triển khai có hiệu quả tại 4/7 đội sản xuất, trong đó đội 1 và đội 5 mỗi đội có từ 10-12ha, với kinh nghiệm nhiều năm tham gia sản xuất lúa giống, chất lượng giống lúa ở HTX Trà Trung luôn bảo đảm chất lượng, năng suất lúa giống Bắc Thơm bình quân đạt 1,9-2tạ/sào, Q5 đạt 2,3-2,4tạ/sào.

Cùng với sản xuất giống, mỗi vụ, huyện Hải Hậu còn đưa vào cấy khảo nghiệm, trình diễn 10-12 giống lúa mới tại các HTX để chọn ra các giống có tiềm năng năng suất cao, chất lượng gạo ngon, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, phù hợp với điều kiện đồng đất địa phương như giống N46, Hương cốm, TBR1, TH3-3, Vân Quang 14, N.ưu 69, Dương Quang 18, CNR02… Các giống lúa mới tuyển chọn đã được bổ sung vào cơ cấu giống lúa của huyện, góp phần thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu giống, cơ cấu mùa vụ của huyện. Giống lúa lai Phú ưu 978, lúa thuần TĐB-06 đã được cấy trên diện rộng trong vụ xuân; các giống TH3-3, Phú ưu 978, Việt Hương Chiếm có thời gian sinh trưởng ngắn, năng suất khá, chất lượng gạo ngon, phù hợp với diện tích quy hoạch trồng cây vụ đông. Các giống có chất lượng như Bắc Thơm số 7, Hương Thơm số 1, N46 được cấy ở những chân ruộng cao, sử dụng phân bón cân đối, hợp lý, cho năng suất cao và ổn định. Giống N.ưu 69, tuy chất lượng gạo không cao nhưng có khả năng kháng bệnh bạc lá tốt, cây cứng đã được đưa vào cấy trên các chân ruộng trũng. Nhờ lựa chọn được các giống lúa có chất lượng, là một trong những yếu tố góp phần đưa năng suất lúa bình quân của huyện Hải Hậu thường xuyên đạt 125-127tạ/ha/năm.

Sản xuất giống lúa và xây dựng các mô hình giống lúa mới giúp huyện Hải Hậu chủ động một phần nguồn giống bảo đảm chất lượng phục vụ sản xuất và là một giải pháp hiệu quả để huyện thực hiện chuyển đổi cơ cấu giống, mùa vụ theo hướng sản xuất nông nghiệp hàng hóa, nâng cao giá trị thu nhập cho nông dân trên một đơn vị diện tích canh tác./.

Thanh Thủy

Đọc thêm