Hài hòa "bài toán" phát triển Côn Đảo

Tháng 6, thêm một đường bay mới được khai trương, kết nối TP.HCM - Cần Thơ - Côn Đảo, cùng tin vui này là những dự án đầu tư bắt đầu được triển khai…

Tháng 6 vừa qua, thêm một đường bay mới đã được khai trương, kết nối TP.HCM - Cần Thơ - Côn Đảo, cùng tin vui này là những dự án đầu tư bắt đầu được triển khai…

Thời gian tới, Côn Đảo sẽ hình thành các khu nghỉ dưỡng tầm cỡ khu vực và thế giới, khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài tham gia khai thác và phát triển du lịch Côn Đảo. Bên cạnh thông tin này, ông Bùi Văn Bình, Chủ tịch UBND huyện Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) đã chia sẻ những khó khăn của chính quyền địa phương trong việc cân đối các lợi ích của “bài toán phát triển”.  

chutichbinh
Ông Bùi Văn Bình, Chủ tịch UBND huyện Côn Đảo. Ảnh: P.Bình

 Có thể nói, đây là địa danh có vị trí địa lý và lịch sử đặc biệt với quốc gia và khu vực. Bên cạnh vị trí “cửa ngõ” trên biển, Côn Đảo còn có một bề dày lịch sử bi tráng, biến nơi đây thành “địa ngục trần gian”, nơi giam giữ những tù nhân cách mạng Việt Nam, những chí sĩ yêu nước...  

Suốt 113 năm (1862 - 1975), Côn Đảo chỉ có tháp canh và tàu lính. Sau ngày thống nhất đất nước, Côn Đảo là đơn vị hành chính trực thuộc trung ương, một thời gian là huyện thuộc tỉnh Hậu Giang, sau cùng là thuộc đặc khu Vũng Tàu – Côn Đảo… 

Bên cạnh đó, Côn Đảo còn có lợi thế là vừa có rừng vừa có biển. Nhờ đó, nơi đây còn có những điểm tham quan giá trị khác như: Vườn quốc gia, di tích xưa (miếu, đền, chùa)… 

Theo ông Bùi Văn Bình, các lợi thế này đều có thể kết hợp lại, được sắp xếp theo những hành trình hợp lý để tạo nên các sản phẩm du lịch có ý nghĩa và giá trị thương mại cao. Gần đây, chính quyền địa phương cũng đã chú trọng hơn trong việc đầu tư và quảng bá toàn diện cho du lịch Côn Đảo, với những điểm nhấn về chứng tích hào hùng cũng như sự ưu đãi mà thiên nhiên mang lại.

 
- Bên cạnh những ưu thế nêu trên, sự “cách trở” với đất liền rõ ràng là một yếu tố không nhỏ ảnh hưởng đến sự phát triển của du lịch Côn Đảo. Xin ông cho biết, chính quyền địa phương đã có những định hướng gì để quy hoạch, phát triển du lịch cũng như kinh tế xã hội nói chung cho huyện đảo?

- Đúng là việc đi lại, vận chuyển từ đất liền ra Côn Đảo có nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến đời sống vật chất cũng như tinh thần của người dân và cán bộ viên chức trên đảo.

Trước đây, hành trình tàu biển giữa đảo và đất liền từ 12 - 14 tiếng đồng hồ, nhưng lịch xuất bến không phải lúc nào cũng đảm bảo chính xác được. Hơn nữa, do đặc thù địa lý, Côn Đảo có 6 tháng trong năm chịu ảnh hưởng của thời tiết không thuận lợi, biển động, sóng lớn…

Với chủ trương lớn của Nhà nước về quy hoạch và phát triển Côn Đảo, ngành Hàng không Việt Nam đã có những đầu tư ra đây như mở đường bay mới, tăng chuyến…

Sau đường bay Cần Thơ – Côn Đảo – Cần Thơ, mới đây nhất, Công ty bay dịch vụ hàng không (VASCO) cũng đã khai trương đường bay TP.HCM – Côn Đảo và ngược lại. 

Việc phát triển và khai thác tốt được các đường bay mới này, sẽ góp phần phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng cho địa phương. Khoảng cách với đất liền được rút ngắn không chỉ về địa lý không gian mà còn là sự nối liền về tâm tư tình cảm, sự quan tâm… Đây là yếu tố góp phần không nhỏ để chính quyền địa phương có định hướng phát triển kinh tế xã hội Côn Đảo trước mắt cũng như tương lai lâu dài.

conduongvenbien
Việc quy hoạch phát triển Côn Đảo có đặc thù riêng, mang ý nghĩa khu vực và Quốc gia. Ảnh: S.Hà

- Xin ông cho biết cụ thể hơn về những dự án được triển khai trong thời gian tới tại Côn Đảo?

- Việc quy hoạch phát triển Côn Đảo có đặc thù riêng, mang ý nghĩa khu vực và Quốc gia, do Thủ tướng Chính phủ trực tiếp phê duyệt.

Ngoài định hướng chung, các dự án và quy họach về phát triển kinh tế xã hội, xây dựng không gian kiến trúc, di tích bảo tàng… sẽ do từng ngành lập, thẩm định và trình Chính phủ phê duyệt, dự kiến đến hết năm nay sẽ hoàn thành. Đây sẽ là cơ sở để định hướng phát triển du lịch, xúc tiến và triển khai các dự án, giúp chính quyền địa phương đưa ra những quyết sách cụ thể.

Việc bảo tồn các di tích lịch sử và phát triển hạ tầng, phát triển du lịch có những mâu thuẫn nhất định, vấn đề này đang đặt ra bài toán cho chính quyền địa phương. Chúng tôi phải cân nhắc để vừa phát triển kinh tế xã hội, vừa bảo tồn được các di tích lịch sử, đồng thời có sự chuẩn bị về nhân lực, về chuyên môn nghiệp vụ… để nâng cao trình độ quản lý.  

 
- Từ thực tế của nhiều địa phương khác cho thấy, khi du lịch phát triển, ngoài những lợi ích mang lại thì mặt trái của nó là kéo theo tệ nạn xã hội, sự mất an ninh, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái… Vậy chính quyền Côn Đảo sẽ đối phó cùng hệ lụy này của bài toán phát triển như thế nào?

 
- Thực tế ở Côn Đảo, có thể thấy hai vấn đề chính: thứ nhất, khi xây dựng và triển khai hàng loạt dự án, đảo sẽ trở thành 1 công trường lớn, sự gia tăng dân số cơ học và du khách với nhiều thành phần phức tạp sẽ khiến an ninh trật tự bị ảnh hưởng ít nhiều.

Thứ hai, quá trình tiêm nhiễm từ những văn hóa phẩm xấu hoặc internet đối với thế hệ trẻ, nếu các gia đình thiếu quan tâm, lơi lỏng thì con em sẽ có nguy cơ hư hỏng, mất phương hướng…


Đối phó với những vấn đề này, chính quyền địa phương đã có một số biện pháp như: có quy trình quản lý cư trú chặt chẽ, khoa học; xây dựng bộ máy chính quyền địa phương trong sạch vững mạnh để quản lý tốt, sâu sát địa bàn; có những chế tài răn đe, xử phạt các hành vi vi phạm…

Bên cạnh đó, Côn Đảo đã có những biện pháp mang tính “phòng ngừa” từ xa như giáo dục tinh thần yêu nước, tự hào biển đảo quê hương cho học sinh các độ tuổi, nâng cao nhận thức người dân về vấn đề này…

Với các nhà đầu tư, chúng tôi có yêu cầu họ cam kết đào tạo và sử dụng người dân địa phương, để họ có nghiệp vụ chuyên môn làm cơ sở nâng cao tay nghề, có công việc ổn định và thu nhập. Làm sao điều tiết hài hòa lợi ích nhà đầu tư và người dân địa phương để gắn bó cộng sinh, giảm thiểu các tiêu cực.

Với mục tiêu này, Côn Đảo đã có chủ trương cụ thể, kuyến khích con em địa phương học nghiệp vụ du lịch và bảo tồn bảo tàng phục vụ địa phương phát triển kinh tế, đồng thời bảo tồn di tích tốt hơn…  Đó chính là định hướng phát triển du lịch bền vững. 

Ngày 25/10/2005, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định 264, phê duyệt Đề án phát triển kinh tế xã hội huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đến năm 2020. Theo đó, quan điểm phát triển chính là xây dựng Côn Đảo thành Khu kinh tế - du lịch và dịch vụ chất lượng cao gắn với bảo tồn, tôn tạo khu di tích cách mạng đặc biệt của Việt Nam và phát triển, nâng cao giá trị Vườn quốc gia Côn Đảo. Đặc biệt, nhấn mạnh vị trí tiền tiêu của Côn Đảo trong quá trình mở cửa, hội nhập kinh tế quốc tế, bảo đảm quốc phòng, an ninh, gắn kết chặt chẽ với phát triển của cả vùng phía Nam Tổ quốc.
Theo đó, trong giai đoạn đến năm 2020 phấn đấu đạt:

- Quy mô dân số khoảng 50 nghìn người.

- Thu nhập nội địa (GDP) bình quân đầu người đến 2010 đạt khoảng từ 900 – 1000 USD/người; đến năm 2020 khoảng từ 1800 – 2000 USD/người.

- Khách du lịch dự kiến đến năm 2010 khoảng từ 200 – 250 nghìn người/năm; đến 2020 khoảng từ 500 – 700 nghìn người/năm.

 Song Hà (ghi)

Đọc thêm