Các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa hiện đang khẩn trương điều tra để có kết luận cuối cùng về vụ việc đại úy CSGT Trần Ngọc Hoàng nổ súng (bắn đạn sao su) vào hai người tham gia giao thông là Lê Văn Ngọc và Tô Thế Kỷ. Bình luận về tính pháp lý xung quanh vụ việc này, các luật sư, các chuyên gia pháp lý đều cho rằng hai người bị bắn rất có thể phạm tội chống người thi hành công vụ?
Ts luật học, Luật sư Ngô Ngọc Thủy, đoàn luật sư thành phố Hà Nội phân tích: “Cá nhân tôi cũng theo dõi vụ việc trên qua báo chí sau khi xem đoạn video clip tôi thấy hành động của hai đối tượng kia là không thể chấp nhận và đã vi phạm pháp luật rõ ràng. Còn về phần CSGT thì trước khi nổ súng đã có những hình thức cảnh cáo đối tượng vi phạm, đuổi theo yêu cầu dừng lại, dùng hành động để tay lên bao đựng súng để uy hiếp tinh thần, bắn chỉ thiên nhưng cả hai đối tượng vẫn không dừng lại. Đồng thời còn có những hành động khiêu khích và chống trả khi cầm mũ bảo hiểm dơ lên với động cơ cản trở CSGT đuổi theo. Theo quy định của pháp luật khi đối tượng bất tuân lệnh của người thi hành công vụ thì được xem là hành vi chống người thi hành công vụ”.
|
Ts, luật sư Ngô Ngọc Thủy |
Luật sư Thủy bày tỏ quan điểm thông cảm với hành động của đại úy CSGT Trần Ngọc Hoàng: “CSGT luôn là lực lượng được người dân quan tâm mỗi khi có sự vụ xảy ra, hành động truy đuổi đối tượng vi phạm đến cùng của đại úy Hoàng là rất đáng hoan nghênh, việc sử dụng công cụ hỗ trợ trong khi thi hành nhiệm vụ ở mức độ sự việc trên theo tôi là chấp nhận được. Thứ nhất đây là súng bắn đạn cao su, tỷ lệ sát thương không cao, thứ hai hai đối tượng trên đã có hành vi lạng lách và bỏ chạy nên sẽ gây những tiềm ẩn nguy hiểm cho người tham gia giao thông, việc ngăn chặn hai đối tượng trên là cần thiết.”
Còn Tiến sỹ Lê Đăng Doanh, Giảng viên chính bộ môn Luật hình sự, trường Đại học Luật Hà Nội cho rằng: “ Những biểu hiện bỏ chạy, lạng lách, đánh võng…gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông, khi có yêu cầu dừng xe của Cảnh sát giao thông thái độ thách đố Cảnh sát, coi thường pháp luật, cởi mũ bảo hiểm với thái độ đe dọa thách thức… của hai đối tượng vi phạm có thể được coi là hành vi cản trở việc thực hiện công vụ, do đó được coi là hành vi chống người thi hành công vụ”.
“ Trong điều kiện hiện nay, hậu quả do tai nạn giao thông là đặc biệt nghiêm trọng và hành vi chống người thi hành công vụ, nhất là các trường hợp chống lại Cảnh sát giao thông của một số đối tượng vi phạm các quy định của pháp luật về an toàn giao thông ở một số địa phương, xảy ra rất phổ biến. Do đó, hành động cương quyết của Đại úy Trần Ngọc Hoàng trong vụ việc ở Thanh Hóa là rất đáng biểu dương", TS Doanh khẳng định.
|
Hình ảnh CSGT đuổi theo hai đối tượng vi phạm giao thông (ảnh cắt từ clip) |
Quan điểm của TS Doanh về việc đại úy Hoàng nổ súng trong trường hợp trên là : “Việc sử dụng công cụ hỗ trợ (súng bắn đạn cao su) của Cảnh sát giao thông Thanh Hóa là cần thiết sau khi đã bắn cảnh cáo mà các đối tượng không dừng lại…Mặt khác, Tiến sỹ Lê Đăng Doanh cho rằng hành vi của hai anh Lê Văn Ngọc và Tô Thế Kỷ tuy có dấu hiệu của việc chống người thi hành công vụ nhưng chưa đến mức được coi là tội phạm mà cần xử lí hành chính cũng đủ để răn đe giáo dục. Bởi theo Điều 257 của Bộ luật Hình sự năm 1999 đã được sửa đổi bổ sung năm 2009: Người nào dùng vũ lực đe dọa, dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm…
Ông cũng cho biết thêm: Để cấu thành tội chống người thi hành công vụ nói trên, người phạm tội phải đảm bảo đủ các điều kiện sau:
Chủ thể của tội phạm - Người thực hiện hành vi chống người thi hành công vụ phải đạt độ tuổi theo luật định.
Về mặt khách quan: Hành vi của người phạm tội phải thỏa mãn 1 trong 3 dạng hành vi khách quan và có mức độ nguy hiểm đáng kể :
Hành vi dùng vũ lực (dùng sức mạnh vật chất tấn công, hành hung) cản trở người thi hành công vụ thực hiện nhiệm vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật.
Hành vi đe dọa dùng vũ lực (đó là hành vi uy hiếp tinh thần người thi hành công vụ làm cho họ sợ mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao) nhằm cản trở người thi hành công vụ thực hiện nhiệm vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật.
Hành vi dùng thủ đoạn khác (như lăng mạ, bôi nhọ hoặc vu khống..) nhằm cản trở người thi hành công vụ thực hiện nhiệm vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật.
Nạn nhân của tội phạm này là người đang thi hành công vụ như cán bộ Hải quan, Cảnh sát, cán bộ Thuế vụ, kiểm lâm…đang thực hiện nhiệm vụ được giao. Ngoài ra, Thanh niên tình nguyện, cán bộ Dân phòng…được các cơ quan có thẩm quyền điều động thực hiện những công việc nhất định để đảm bảo trật tự an toàn xã hội cũng coi là người đang thi hành công vụ…
Về mặt chủ quan: Lỗi của người phạm tội phải là lỗi cố ý ( người phạm tội nhận thức được hành vi của mình là chống hoặc cản trở việc thực hiện công vụ của người khác nhưng vẫn thực hiện).
Nguyễn Đức Thọ