Trước hết đó là phiên tòa xét xử vụ Thanh tra giao thông (TTGT) TP Cần Thơ nhận hối lộ hàng tỉ đồng. Ở vụ này người ta quan tâm vì xưa nay lực lượng thanh tra được xem như “Bao Công” nhưng tiêu cực đã tấn công làm gục ngã. Đặc biệt hơn, theo như lời khai của bị cáo Dương Minh Tâm (nguyên Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT TP Cần Thơ) thì ông ta đã chi 370 triệu cho ông Trương Văn Phúc - nguyên Chánh TTGT (thuộc Sở GTVT Cần Thơ) để “chạy” lên chức Phó Chánh Thanh tra. Nhiệm vụ làm rõ lời khai là của phiên tòa, xa hơn bài học về cán bộ là nhiệm vụ của những người làm công tác tổ chức.
Nếu như trước đây, chúng ta băn khoăn, luôn “hỏi nhau” về “bộ phận không nhỏ” ở đâu, tức là ta giỏi về “định tính” nhưng không xác định được “định lượng” thì cuộc sống đã trả lời. Nếu như trước đây, chúng ta băn khoăn về “chợ” mua bán chức quyền ở đâu, họp vào lúc nào thì cũng dần lờ mờ thấy việc này.
Trong một lần trả lời phỏng vấn báo chí sau khi vụ Trịnh Xuân Thanh phát lộ, ông Nguyễn Đình Hương, nguyên Phó ban Tổ chức Trung ương quả quyết: “Chạy” bây giờ mang tính chất phổ biến, cấp nào cũng có, ngành nào cũng có. Nhất là đến các kỳ Đại hội, chạy nhiều nhất... Chạy chức, chạy quyền là vấn đề hết sức nan giải. Muốn chống được vấn nạn này thì trên phải nghiêm, phải trong sạch”. Mặc dù câu trả lời trước Tòa của bị cáo Dương Minh Tâm chưa được khẳng định nhưng đã cho thấy việc “mua” và giá cả có thể có thật.
Vụ án thứ hai dư luận quan tâm là TAND TPHCM mở phiên tòa xét xử sơ thẩm lần 2 đối với bị cáo Trương Hồ Phương Nga (sinh năm 1987, ngụ Hà Nội, từng đạt danh hiệu Hoa hậu người Việt tại Nga năm 2007) và Nguyễn Đức Thùy Dung (sinh năm 1987, ngụ TPHCM) về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản của “đại gia” Cao Toàn Mỹ.
Lừa đảo hay tranh chấp “hợp đồng tình dục” được đẩy lên đỉnh điểm của tư duy “hình sự hóa”, “mượn tay” tố tụng để” “trả thù dân sự”? Dư luận còn tiếp tục theo dõi phiên tòa với nhiều luồng ý kiến.
Hệ thống luật pháp của nước ta nhất là pháp luật về tố tụng bảo đảm “nói có sách, mách có chứng”, song cũng có thể dẫn đến tình trạng thẩm phán không biết xử kiểu gì. Bởi nhiều trường hợp, pháp luật thực định xuất hiện những “lỗ hổng” mà chưa kịp có quy định tương ứng khắc phục. Một Chánh án TAND Tối cao từng nổi tiếng khi phát biểu trước Quốc hội: “Luật của ta xử thế nào cũng được”. Đó là “thực tế” của tố tụng Việt Nam. Tình trạng này có thể được giải quyết nếu hiểu “pháp luật” theo nghĩa rộng, không chỉ là luật thành văn, mà còn gồm tập quán, thực tiễn tòa án...
Vụ án xét xử vụ TTGT TP Cần Thơ và vụ bị cáo Trương Hồ Phương Nga dù được tuyên theo hướng nào thì đó cũng là một bi kịch. Bi kịch của đạo đức, đạo lý làm người.
Đây chính là câu chuyện “đau lòng” nhất. Vì thế dư luận đã quan tâm!