Hải Phòng: Ngành mũi nhọn có nguy cơ… bị tù

Nuôi trồng thủy sản từng được xác định là một trong các ngành kinh tế mũi nhọn của Hải Phòng. Tuy nhiên, từ nhiều năm nay, việc nuôi trồng thủy sản của các hộ dân trên địa bàn TP vấp phải rất nhiều khó khăn bởi hầu hết các vùng nuôi trồng thủy sản đều hứng chịu ô nhiễm môi trường từ hoạt động công nghiệp.

Nuôi trồng thủy sản từng được xác định là một trong các ngành kinh tế mũi nhọn của Hải Phòng. Tuy nhiên, từ nhiều năm nay, việc nuôi trồng thủy sản của các hộ dân trên địa bàn TP vấp phải rất nhiều khó khăn bởi hầu hết các vùng nuôi trồng thủy sản đều hứng chịu ô nhiễm môi trường từ hoạt động công nghiệp.

Kẹt giữa các dự án công nghiệp, nuôi trồng thủy sản của người  dân Đồ Sơn gặp rất nhiều khó khăn
Kẹt giữa các dự án công nghiệp, nuôi trồng thủy sản của người dân Đồ Sơn gặp rất nhiều khó khăn

Thất thu vì ô nhiễm

Năm 1996, bà Đinh Thị Hà, công nhân Xí nghiệp dịch vụ nuôi trồng thủy sản Đồ Sơn là một trong những hộ công nhân đầu tiên đứng ra nhận khoán diện tích nuôi trồng thủy sản (NTTS) của xí nghiệp để đầu tư sản xuất. Bà Hà nhớ lại, khi mới nhận khoán, toàn bộ diện tích NTTS của xí nghiệp là mặt nước mênh mông, các hộ dân phải thuê tư vấn thiết kế, đo đạc bản đồ, phân ô, thửa để tự đầu tư hệ thống kênh mương dẫn nước, đắp bờ bao, bờ vùng bờ thửa, nạo vét, cải tạo đầm nuôi.

Tuy nhiên, các đầm NTTS chỉ cho hiệu quả trong thời gian ngắn. Kể từ thời điểm năm 2006, khi sân golf Đồ Sơn bắt đầu được triển khai, tiếp đó là Khu Công nghiệp Đồ Sơn được “tái khởi động”, sản lượng nuôi trồng thủy sản của người dân trong vùng bị sụt giảm dần, chất lượng các loài nuôi như tôm, cá cũng không được như trước.

Bà Hà bức xúc, kể từ năm 2009, sau một trận mưa lớn, cả vùng nuôi trồng thủy sản rộng hàng trăm ha hứng trọn nước thải từ khu vực công nghiệp tràn sang khiến tôm cá chết hàng loạt. Từ đó đến nay mặc dù các hộ dân đã cố cải tạo lại đầm nuôi nhưng cũng chỉ như “dã tràng xe cát biển đông”, càng đổ tiền vào cải tạo đầm nuôi thì vốn liếng càng cạn mà không thu được con tôm, con cá thương phẩm.

Nguyên nhân sản phẩm thủy sản của Đồ Sơn bị sụt giảm rồi mất hẳn trên thương trường được lãnh đạo Sở NN&PTNT TP Hải Phòng chỉ rõ: vùng nuôi trồng thủy sản Đồ Sơn nằm kẹt giữa các khu công nghiệp, khu vui chơi giải trí, cả vùng nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng nặng nề bởi ô nhiễm nguồn nước thải từ khu công nghiệp.

Trong khi đó, theo tố cáo của bà con, không những không chia sẻ khó khăn với các hộ công nhân, lãnh đạo Xí nghiệp dịch vụ nuôi trồng thủy sản Đồ Sơn lại thường xuyên o ép, đòi tăng mức khoán sản phẩm theo mức lũy tiến hàng năm.

Đặc biết, cuối năm 2012, xí nghiệp bất ngờ đưa ra mức thu khoán sản lượng nuôi trồng thủy sản từ mức 8,3 triệu đồng/ha lên 18,4 triệu/ha khiến các hộ dân “sốc” nặng. Sau khi người dân nhận khóa khiếu nại tới các cấp chính quyền, xí nghiệp mới rút mức khoán xuống còn 15,4 triệu/ha, đồng thời ra “tối hậu thư” với các hộ nuôi trồng thủy sản nếu không đồng ý với mức khoán này thì tiến hành thanh lý hợp đồng nuôi trồng thủy sản.

Nguy cơ “teo tóp” một ngành kinh tế mũi nhọn

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, chung số phận với vùng nuôi trồng thủy sản Đồ Sơn, các vùng nuôi trồng thủy sản Cát Hải, Hải An, ba trong số năm vùng nuôi trồng thủy sản trọng điểm của Hải Phòng hiện cũng đang bị phá vỡ quy hoạch, chất lượng nuôi trồng thủy sản bị giảm sút nghiêm trọng bởi việc bị ô nhiễm môi trường.

Ông Phạm Văn Hưởng - Chủ tịch quận Hải An cho biết, trước đây diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn quận được quy hoạch tới hơn 1.100 ha. Từ năm 2007 đến nay, diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn quận Hải An chỉ còn hơn 700 ha. Phần lớn diện tích nuôi trồng thủy sản được quy hoạch để phát triển các dự án công nghiệp, dự án phát triển hạ tầng giao thông lớn như đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, dự án xây dựng Nhà máy xử lý rác Tràng Cát, bãi rác Đình Vũ ….

Huyện đảo Cát Hải là địa phương có tiềm năng với hàng trăm nghìn ha mặt nước biển để phát triển nuôi thủy sản nước mặn cũng gặp không ít khó khăn. Do thiếu quy hoạch, các hộ dân nuôi cá lồng bè tự phát dẫn đến ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Chất thải, lượng thức ăn dư thừa, dư lượng kháng sinh cùng chất thải công nghiệp như xăng dầu được thải từ tàu đánh cá là nguy cơ lây lan và phát tán mầm bệnh, khiến sản lượng thủy hải sản bị sụt giảm mạnh. Lãnh đạo huyện Cát Hải cho biết, do ô nhiễm môi trường nên mặc dù đương giữa mùa thu hoạch ngao, nhưng có đỏ mắt tìm cũng khó thấy được sản vật này tại thị trấn Cát Bà.

Lãnh đạo Sở NN&PTNT TP Hải Phòng trăn trở, nghề nuôi trồng thủy sản tạo ra việc làm cho hàng ngàn lao động, sản phẩn nuôi trồng thủy sản là nguyên liệu cho hàng loạt các nhà máy chế biến thủy sản trên địa bàn, đóng góp không nhỏ vào kim ngạch xuất khẩu của TP. Cho nên, việc vùng nuôi trồng thủy sản bị thu hẹp dần, chất lượng sản phẩn vùng nuôi bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ ô nhiễm môi trường không chỉ khiến người dân lao đao, các nhà máy chế biến thủy sản của Hải Phòng phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nguyên liệu từ các tỉnh bạn, kim ngạch xuất khẩu của Hải Phòng vì vậy cũng bị ảnh hưởng không nhỏ.

Thiết nghĩ, thành phố “hoa phượng đỏ” cần có chiến lược phù hợp, tạo ra các vùng nuôi an toàn môi trường, tạo hiệu quả kinh tế cao, để ngành nuôi trồng thủy sản của Hải Phòng thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn theo đúng định hướng, kỳ vọng về một vùng tiềm năng vốn có.

Văn Thương

Đọc thêm